Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thông báo phái đoàn quốc hội nước này đã đến Khu phi quân sự liên Triều ở biên giới Hàn Quốc và Triều Tiên.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Khu phi quân sự liên Triều (Ảnh: Twitter/Nancy Pelosi).
"Được gặp các quân nhân Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc, do Tướng Paul LaCamera, Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc dẫn đầu, là điều vinh hạnh. Trong chuyến thăm tới Khu phi quân sự/Khu vực An ninh chung (DMZ/JSA) và Căn cứ Không quân Osan, chúng tôi đã chuyển lời cảm ơn của quốc hội và đất nước đối với việc phụng sự của các quân nhân, những người bảo vệ nền dân chủ trên bán đảo Triều Tiên", Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết trong tuyên bố hôm 4/8.
Bà Pelosi cho biết phái đoàn Quốc hội Mỹ cũng đã đến thủ đô Seoul, khẳng định "mối quan hệ gắn bó bền chặt" giữa Mỹ và Hàn Quốc.
"Mỹ và Hàn Quốc chia sẻ một mối quan hệ bền chặt được hình thành vì an ninh và được hun đúc bởi tình hữu nghị nồng ấm trong nhiều thập niên. Phái đoàn Quốc hội của chúng tôi đã tới Seoul để tái khẳng định mối quan hệ quý báu và cam kết chung của chúng tôi đối với việc thúc đẩy an ninh và ổn định, tăng trưởng kinh tế và quản trị dân chủ", bà Pelosi nhấn mạnh.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ nói rằng bà đã có cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo và các quan chức cấp cao khác để trao đổi về một loạt vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Bà Pelosi cũng có cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol.
"Chúng tôi cảm ơn Tổng thống Hàn Quốc vì sự hỗ trợ của Hàn Quốc đối với 28.000 quân nhân Mỹ và gia đình của họ", bà Pelosi cho biết, đồng thời nhấn mạnh sự hợp tác giữa hai nước nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Hàn Quốc là một điểm dừng chân trong chuyến thăm tới 4 quốc gia châu Á của Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Trước khi tới Hàn Quốc, bà Pelosi và phái đoàn Quốc hội Mỹ đã có chuyến đi "sóng gió" tới Đài Loan và gặp nhà lãnh đạo Thái Anh Văn, bất chấp cảnh báo cứng rắn của Trung Quốc.
Bà Pelosi là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới Khu vực An ninh chung (JSA) ở làng đình chiến Panmunjom tại biên giới liên Triều, kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đến đây vào năm 2019 để gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Nằm bên trong Khu phi quân sự liên Triều (DMZ), một vùng đệm được thiết lập vào cuối Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), JSA là nơi chứng kiến nhiều thương vong cũng như các cuộc đàm phán. Các Tổng thống Mỹ và các quan chức hàng đầu của Mỹ thường tới JSA và các khu vực khác ở biên giới liên Triều để tái khẳng định cam kết an ninh của họ với Hàn Quốc.
Khu Phi quân sự liên Triều (DMZ) là dải đất dài 250km, rộng 4km, chạy ngang bán đảo Triều Tiên. Từng là một trong những khu vực biên giới được vũ trang dày đặc nhất thế giới, DMZ được quân đội Hàn Quốc và Triều Tiên trang bị dày đặc bãi mìn, các hàng rào dây thép gai, hàng rào điện tử, camera trinh sát và các trạm kiểm soát quân sự. Năm 1993, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng gọi DMZ liên Triều là "khu vực đáng sợ nhất trên trái đất".
Theo Thành Đạt/Dân trí (nguồn Yonhap)
https://dantri.com.vn/the-gioi/chu-tich-ha-vien-my-dat-chan-toi-noi-nguy-hiem-nhat-the-gioi-20220805063157804.htm