Tình hình khu vực và quốc tế ngày càng khó lường, thách thức ngày càng gia tăng nên hơn bao giờ hết, ASEAN cần đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm
Ngày 3-8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) đã khai mạc trọng thể tại Phnom Penh, Campuchia với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Campuchia Hun Sen điểm lại chặng đường phát triển 55 năm của ASEAN với những thành tựu ngoài kỳ vọng, đưa Đông Nam Á từ khu vực của đối đầu, bất đồng và nghi kỵ thành khu vực của hợp tác, phát triển và tin cậy.
Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh tình hình khu vực và quốc tế ngày càng khó lường, thách thức ngày càng gia tăng, từ tác động đa chiều của dịch Covid-19 đến đối đầu giữa các nước lớn, từ nguy cơ chạy đua vũ trang tới diễn biến phức tạp tại Myanmar, Ukraine…
Các thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh năng lượng, an ninh lương thực cũng đặt ra nhiều khó khăn cho khu vực nói chung và ASEAN nói riêng. Hơn bao giờ hết, ASEAN cần đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm, nỗ lực xây dựng cộng đồng "thống nhất trong đa dạng", gắn kết, bao trùm và hợp tác.
Với tinh thần "ASEAN hành động: Cùng ứng phó các thách thức", ASEAN đã thể hiện quyết tâm cùng vượt khó khăn, đặc biệt là thúc đẩy phục hồi sau Covid-19, thực hiện Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Quan hệ giữa ASEAN với các đối tác cũng được mở rộng và làm sâu sắc hơn với việc nâng cấp quan hệ đối tác gần đây.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (thứ tư từ trái qua) và những người đồng cấp tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO
Để duy trì đà hợp tác, Thủ tướng Hun Sen đề nghị ASEAN tăng cường phối hợp ứng phó biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, cân nhắc xây dựng một Thỏa thuận Xanh (ASEAN Green Deal) và khai thác tối đa tiềm năng và lợi ích của Hiệp định RCEP.
Sau lễ khai mạc, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tham dự các phiên họp trong khuôn khổ Hội nghị AMM-55.
Cũng trong ngày 3-8, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã cùng các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN chào xã giao Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn, Chủ tịch Hội nghị năm nay. Hai bộ trưởng nhất trí sẽ phấn đấu củng cố mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống lâu đời giữa nhân dân hai nước, trước hết duy trì và thúc đẩy trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cơ chế hợp tác toàn diện khác, nỗ lực phấn đấu đạt kim ngạch thương mại hai chiều vượt 10 tỉ USD trong 2022.
Bên cạnh đó, hai bên sẽ tổ chức các sự kiện trong Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ; trong đó có kết nối hai nền kinh tế, tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, giáo dục đào tạo, du lịch và giao lưu nhân dân.
Theo phóng viên TTXVN, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi quan ngại những thách thức về y tế sẽ vẫn tồn tại trong tương lai và đây nên là một trong những ưu tiên hàng đầu trong sự hợp tác của khối ASEAN.
Bà Marsudi cho rằng cơ chế ASEAN cần được sử dụng một cách tối ưu, trong đó cần tăng tốc hoạt động và bảo đảm sự sẵn sàng của quỹ cho Trung tâm Y tế công cộng khẩn cấp và các bệnh mới nổi (ACPHEED) - sẽ có trụ sở tại Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, với trụ cột hợp tác là phòng ngừa và ứng phó dịch bệnh.
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ASEAN với các đại diện của Ủy ban Liên chính phủ về nhân quyền ASEAN (AICHR) cùng ngày, bà Marsudi tiếp tục đề xuất thiết lập diễn đàn đối thoại về nhân quyền thường niên, tăng cường hoạt động của AICHR thông qua gắn kết với nhiều bên liên quan hơn. Indonesia và Campuchia sẽ là đồng chủ nhà của Đối thoại Nhân quyền được tổ chức vào tháng 11 năm nay.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/asean-can-doan-ket-truoc-cac-thach-thuc-20220803211937219.htm