Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Hải quân Nga sẽ tiếp nhận các tên lửa siêu vượt âm "bất khả chiến bại" Zircon trong vài tháng tới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu dự một sự kiện kỷ niệm ngày thành Hải quân Nga (Ảnh: EPA).
"Quá trình bàn giao các tên lửa (Zircon) cho quân đội Nga sẽ bắt đầu từ tháng tới. Tàu hộ vệ Đô đốc Gorshkov sẽ là tàu đầu tiên đảm nhận vai trò tác chiến với vũ khí uy lực này. Vấn đề mấu chốt ở đây là năng lực của Hải quân Nga... Hải quân của chúng ta có thể đối phó nhanh như chớp với bất cứ ai xâm phạm chủ quyền và tự do của chúng ta", Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại sự kiện kỷ niệm ngày thành lập Hải quân Nga diễn ra ở thành phố St Petersburg hôm nay 31/7.
Tên lửa Zircon lần đầu được thử nghiệm vào năm 2016, theo kế hoạch ban đầu, tên lửa này được trang bị cho Hải quân Nga vào năm 2018, nhưng do yếu tố kỹ thuật và phát triển khó khăn, tiến độ dự án đã nhiều lần bị trì hoãn. Tổng thống Putin từng gọi Zircon là tên lửa "bất khả chiến bại" và tiết lộ Zircon có thể đạt tốc độ khoảng Mach 9, với khả năng đánh trúng các mục tiêu ở khoảng cách hơn 1.000 km.
Hồi tháng 7 năm ngoái, Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo thử nghiệm thành công tên lửa Zircon khi tấn công mục tiêu giả định ở khoảng cách hơn 350km, tốc độ bay của tên lửa gần chạm Mach 7 (8.643 km/h - tức là nhanh gấp 7 lần tốc độ âm thanh). Theo truyền thông Nga, Zircon được thiết kế chống lại các mục tiêu tàu nổi và trên cạn.
Nga rất coi trọng việc phát triển vũ khí vượt siêu âm và hiện đã sở hữu 3 loại tên lửa vượt siêu âm. Hồi tháng 3, Nga cho biết nước này đã sử dụng tên lửa siêu vượt âm khác có tên Kinzhal với độ chính xác cao lần đầu tiên trong chiến đấu, cụ thể là tại chiến trường Ukraine.
Trong bài phát biểu hôm nay, Tổng thống Putin không đề cập trực tiếp đến Ukraine, song cho biết khu vực triển khai tên lửa hành trình siêu vượt âm Zircon sẽ tùy thuộc vào các lợi ích của Nga.
Tại sự kiện ở St. Petersburg, Tổng thống Putin cũng ký phê chuẩn học thuyết sửa đổi của Hải quân Nga do "những thay đổi của tình hình địa chính trị và chiến lược - quân sự trên thế giới". Chủ nhân Điện Kremlin cũng ký sắc lệnh về việc hỗ trợ hạm đội cho hải quân.
Hồi tháng 5, Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov từng giải thích, do cuộc khủng hoảng ở Ukraine và cuộc chiến "lai" của phương Tây nhằm vào Moscow, việc tăng cường năng lực để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Nga ở các vùng biển thế giới vô cùng quan trọng.
Theo ông, các điều khoản mới của học thuyết hải quân sửa đổi có liên quan đến việc huy động và sẵn sàng huy động ở các khu vực hoạt động hàng hải. Ông cũng nhấn mạnh, những sửa đổi này không nhằm mục tiêu đối đầu mà nhằm tăng cường an ninh hàng hải quốc gia, giảm đáng kể sự phụ thuộc của Hải quân Nga vào các yếu tố bên ngoài và các điều kiện thị trường.
Học thuyết hải quân Nga được áp dụng lần đầu tiên vào năm 2001. Năm 2015, Tổng thống Putin đã phê chuẩn học thuyết sửa đổi nhằm đáp trả chiến lược "đông tiến" của NATO, đồng thời nhấn mạnh sự hiện diện tại Crimea và Bắc Cực.
Theo Minh Phương/ Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/ong-putin-he-lo-thoi-diem-hai-quan-nga-bien-che-ten-lua-bat-kha-chien-bai-20220731165344502.htm