Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia có năng lực sản xuất thiết bị chẩn đoán, vắc-xin và thuốc điều trị hành động vì sự đoàn kết quốc tế
"Một phản ứng quốc tế phối hợp là cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của đậu mùa khỉ, bảo vệ các cộng đồng có nguy cơ lây nhiễm cao nhất" - đài NDTV dẫn lời Giám đốc Văn phòng Chuẩn bị đại dịch của Nhà Trắng Raj Panjabi sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ra phán quyết tuyên bố đậu mùa khỉ là "Tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế - PHEIC" vào lúc 21 giờ 15 phút ngày 23-7 (giờ Việt Nam), trong cuộc họp báo trực tuyến toàn cầu.
PHEIC là mức cảnh báo cao nhất mà WHO đưa ra cho một đợt bùng phát dịch bệnh, có thể mở đường cho một chuỗi hành động phối hợp toàn cầu và là cơ sở để ngành y tế các quốc gia, vùng lãnh thổ đưa ra các quy định và biện pháp ứng phó phù hợp, dựa trên khuyến nghị từ WHO.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết thế giới đã có hơn 16.000 ca đậu mùa khỉ ở 75 quốc gia, vùng lãnh thổ hầu hết là những nơi mà bệnh này chưa từng lưu hành. Khi Ủy ban Khẩn cấp về Quy định Y tế quốc tế (IHR) về đậu mùa khỉ họp lần đầu (ngày 25-6), cả thế giới mới chỉ có 3.040 ca.
Còn theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), thế giới đã có cụ thể là 16,836 ca được xác nhận (có xét nghiệm khẳng định). Châu Á là một trong những vùng có số ca còn thấp: Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) có 13 ca, Singapore có 6, Ấn Độ có 4, Đài Loan - Trung Quốc có 2 và Thái Lan có 1.
Các quốc gia có nhiều ca bệnh nhất thế giới là Tây Ban Nha (3.125), Mỹ (2.890), Đức (2.268), Anh (2.208), Pháp (1.567). Châu Phi, nơi căn bệnh lưu hành ở người nhiều năm nay, chỉ báo cáo số ca hạn chế nhưng từ hồi tháng 6, ở đây đã có 1.500 ca "nghi nhiễm", tức có triệu chứng nhưng không được xét nghiệm. WHO cũng lo ngại về số ca bệnh có thể "ẩn mình" ở nhiều nước, do năng lực xét nghiệm đậu mùa khỉ toàn cầu còn rất hạn chế.
Đó cũng là nguyên nhân WHO nhấn mạnh vai trò của các quốc gia có năng lực sản xuất thiết bị chẩn đoán, vắc-xin và thuốc điều trị san sẻ nguồn lực, hỗ trợ các quốc gia khác "dựa trên nhu cầu sức khỏe cộng đồng, sự đoàn kết".
Tổng Giám đốc WHO T. A. Ghebreyesus đêm 23-7 tuyên bố đậu mùa khỉ là “Tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế" Ảnh: REUTERS
Các quốc gia thành viên được khuyến nghị chi tiết các biện pháp cần làm trong bối cảnh PHEIC, tùy vào tình hình dịch tễ: Lập kế hoạch ứng phó cho từng mức độ bùng phát, kiện toàn hệ thống sàng lọc phát hiện ca bệnh, giám sát dịch tễ, cách ly kiểm dịch, đào tạo nhân lực để sẵn sàng cho các chiến dịch tiêm chủng, xét nghiệm... là những mục tiêu trọng tâm, bên cạnh truyền thông cho cộng đồng và bảo vệ những người có nguy cơ mắc bệnh nặng (người suy giảm miễn dịch, trẻ em và thai phụ).
Tiến sĩ Tedros cũng thừa nhận: "Chúng ta có một đợt bùng phát lan nhanh khắp thế giới, thông qua các phương thức lây truyền mới mà chúng ta hiểu quá ít", trong khi CNBC dẫn lời người đứng đầu Chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryans: "Sự lây truyền này đã xảy ra ở các quốc gia châu Phi trong 2 khu vực cụ thể, với một số lượng lớn trong nhiều năm và chúng tôi không hiểu đầy đủ điều gì đang thúc đẩy sự lây truyền ở đó".
Tuy nhiên, WHO cũng cho rằng nguy cơ ở các quốc gia ngoài châu Âu - tâm chấn của đợt bùng phát này - vẫn chỉ có ở mức trung bình và thế giới vẫn có cơ hội chặn đứng nó với nỗ lực hợp tác quốc tế. Về vắc-xin, WHO vẫn khuyến nghị chỉ tiêm cho người tiếp xúc với bệnh nhân, cho nhân viên y tế có nguy cơ bao gồm nhân viên phòng xét nghiệm, cũng như những đối tượng dễ gặp rủi ro đặc biệt theo chính sách từng quốc gia.
Nguy cơ xâm nhập Việt Nam rất lớn
Chiều 24-7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã chủ trì họp trực tuyến để bàn các biện pháp ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ. Tại cuộc họp, các chuyên gia cho biết hiện Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh này song nguy cơ bệnh này xâm nhập nước ta là rất lớn do dịch bệnh đã xuất hiện ở nhiều quốc gia, sự giao lưu đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Để chủ động phát hiện, ngăn chặn các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm lan truyền qua biên giới, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành có hoạt động kiểm dịch y tế thực hiện nghiêm, đầy đủ các hoạt động kiểm dịch y tế đối với người, phương tiện và hàng hóa... theo quy định. Việc kiểm tra, xử lý y tế, khử khuẩn phương tiện, hàng hóa phải đúng quy trình kiểm dịch y tế. Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị cập nhật kế hoạch dự phòng đáp ứng với bệnh truyền nhiễm tại từng cửa khẩu với sự phối hợp, tham gia của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, cơ quan y tế địa phương để xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, không để bị động, lúng túng.
Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết Việt Nam chưa có báo cáo ca bệnh nhưng việc ghi nhận ca bệnh chỉ là vấn đề thời gian hoặc có thể đã có sự lây truyền trong cộng đồng. Việt Nam cần có các biện pháp ứng phó sàng lọc, ngăn chặn không gây lây nhiễm và bảo vệ nhân viên y tế - những người có nguy cơ cao.
Theo đại diện WHO, bệnh đậu mùa khỉ thường khỏi sau vài tuần. Biến chứng đậu mùa khỉ phần lớn từ các nốt phát ban nếu để nhiễm trùng có thể dẫn đến hoại tử, ảnh hưởng đến phổi, nhiễm trùng máu, mất nước, viêm não. Do đó ngành y tế cần chuẩn bị năng lực về chẩn đoán, cách ly cũng như quản lý để hạn chế tối đa lây lan và tử vong.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/can-quoc-te-hop-luc-chong-dau-mua-khi-20220724213441928.htm