Mỹ và EU đã có động thái mới sau khi Nga tuyên bố mở rộng mục tiêu chiến dịch quân sự ra ngoài vùng Donbass thuộc miền đông Ukraine.
Giới chức Ukraine hôm qua khẳng định lực lượng Nga đang cố gắng liên tục để phá vỡ các tuyến phòng thủ của Ukraine ở tỉnh Donetsk trong vùng Donbass thuộc miền đông nhưng không thành công. Cùng ngày, trang The Kyiv Independent dẫn thông báo từ Bộ Chỉ huy chiến dịch miền nam Ukraine tuyên bố lực lượng nước này đánh bại 111 binh sĩ Nga ở miền nam hôm 20.7, phá hủy 2 lựu pháo Msta-B và một số khí tài khác. Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns hôm qua ước tính kể từ khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2 đến nay, Nga mất 15.000 binh sĩ, bên cạnh 45.000 người bị thương. Ông Burns cho rằng phía Ukraine cũng chịu thương vong đáng kể, theo Reuters. Đến tối qua chưa có thông tin về phản ứng của Nga.
Lực lượng Ukraine khai hỏa pháo phản lực Grad BM-21 về phía vị trí của lực lượng Nga ở Donbass
Ngày 20.7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng “nhiệm vụ” của quân đội Nga giờ đây vượt khỏi Donbass và việc nối lại hòa đàm với Ukraine vào thời điểm này là vô nghĩa, theo báo The Guardian. Ông Lavrov nhấn mạnh Moscow sẽ đặt mục tiêu mở rộng thêm lãnh thổ dọc các chiến tuyến của Ukraine nếu phương Tây tiếp tục cung cấp cho Kyiv vũ khí tầm xa như hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS).
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói rằng việc Moscow đặt mục tiêu giành quyền kiểm soát thêm lãnh thổ Ukraine vượt ngoài Donbass là những gì chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo và hứa Washington sẽ phản đối việc này, theo Reuters.
Trong cuộc họp trực tuyến với các đồng minh về Ukraine ngày 20.7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine thêm 4 HIMARS và đạn cho các hệ thống rốc két phóng loạt (MLRS), theo The Guardian. Trong cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley cho hay Mỹ đã chuyển giao 12 HIMARS và đây là một phần trong hơn 20 MLRS mà Washington và các đồng minh cam kết cung cấp cho Kyiv. Cùng ngày, khi phát biểu trước quốc hội Mỹ, đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska kêu gọi Washington cung cấp thêm vũ khí và hệ thống phòng không cho Kyiv.
Tổng thống Putin dự báo “trật tự thế giới mới”
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 20.7 tuyên bố một kỷ nguyên mới của lịch sử thế giới đang đến gần và chỉ những quốc gia “thực sự có chủ quyền” mới có thể thành công trong môi trường đã thay đổi, theo Đài RT. Ông còn nhấn mạnh những thay đổi “mang tính cách mạng thực sự, to lớn” sẽ dẫn đến việc tạo ra một trật tự thế giới mới “hài hòa, công bằng hơn và tập trung hơn vào cộng đồng và an toàn”. Ông Putin cho rằng bất chấp nỗ lực của giới tinh hoa phương Tây nhằm bảo tồn trật tự thế giới hiện có, những thay đổi như trên là “không thể đảo ngược”.
Ngoài ra, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh Châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 20.7 thông báo trên Twitter rằng EU sẽ cung cấp gói viện trợ quân sự mới trị giá 500 triệu euro (hơn 11.800 tỉ đồng) cho Ukraine. Cùng ngày, các nhà ngoại giao EU nhất trí áp đặt vòng cấm vận thứ 7 lên Nga, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu vàng từ nước này.
Trong khi đó, Nga hôm qua đã nối lại nguồn cung cấp khí đốt quan trọng cho châu Âu thông qua Đức, mở lại đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương bắc (Nord Stream 1- NS1) sau 10 ngày tạm ngưng do đợt bảo trì thường niên, theo AFP. Trước đó, chính phủ Đức lo ngại Moscow sẽ không mở lại NS1 sau khi công việc bảo trì hoàn tất, giữa lúc Nga được cho là đang siết chặt nguồn cung khí đốt để trả đũa các lệnh cấm vận của phương Tây. Công ty độc quyền khí đốt nhà nước Nga Gazprom đã cắt giảm khí đốt đến Đức qua NS1 khoảng 40% trong những tuần gần đây, viện dẫn tuabin khí dành cho NS1 đang được sửa chữa ở Canada, nhưng chính phủ Đức đã bác bỏ lời giải thích này.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/khi-chien-su-vuot-khoi-donbass-post1480658.html