Liên minh châu Âu (EU) đã đồng thuận về gói trừng phạt thứ 7 nhằm vào Nga, trong đó có lệnh cấm vận vàng. Cùng ngày, Moscow cảnh báo ngừng cấp dầu cho thị trường thế giới nếu bị áp giá trần.
EU liên tục tung ra các gói trừng phạt nhằm vào Nga kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra (Ảnh: TASS).
Ủy ban Đại diện thường trực EU ngày 20/7 đã thông qua gói trừng phạt thứ 7 của khối nhằm vào Nga, TASS dẫn nguồn thạo tin cho hay. "Các lệnh trừng phạt mới bao gồm cấm nhập khẩu vàng, mở rộng danh sách đen, bổ sung lệnh trừng phạt tài chính, thương mại", nguồn tin cho biết.
Cụ thể, theo gói trừng phạt mới, EU sẽ cấm nhập khẩu vàng từ Nga dưới dạng bán thành phẩm và phế liệu. Ngoài ra, EU cũng đưa thêm 48 cá nhân và tổ chức của Nga vào "danh sách đen" bị đóng băng tài sản và/hoặc cấm nhập cảnh. Trong đó, EU sẽ đóng băng tài sản của Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, gói trừng phạt mới giúp việc thực thi các lệnh trừng phạt trước đó hiệu quả hơn và gia hạn các điều khoản đến tháng 1/2023.
EU liên tục đưa ra các gói trừng phạt chống lại Nga sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Hồi tháng 6, liên minh này thông báo ngừng nhập khẩu dầu mỏ Nga qua đường biển. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm gây sức ép với Moscow thông qua việc chặn nguồn thu quan trọng của nước này từ ngành năng lượng.
Do phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga, phương Tây đang tìm cách hạn chế nguồn thu của Nga mà không làm ảnh hưởng đến nguồn cung hoặc khiến giá tăng cao. Đó là lý do một số nước đưa ra ý tưởng áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga, nghĩa là áp đặt một mức giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường mà Nga sẽ nhận được.
Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết, dựa trên chi phí sản xuất dầu và giá dầu của Nga trước khi xung đột Ukraine nổ ra, phương Tây đang tính áp trần giá bán dầu Nga quanh 40-60 USD/thùng. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Đức cuối tháng trước, lãnh đạo các nước phương Tây đã thống nhất xem xét các phương án áp trần giá, như cấm bảo hiểm và vận chuyển dầu cũng như các sản phẩm từ dầu của Nga, trừ khi giá bán dưới mức trần.
Mỹ và hầu hết các nước EU đã đồng ý ngừng mua dầu từ Nga, tuy nhiên, điều này giúp các khách hàng khác mua được dầu Nga với giá thấp hơn, trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và một số nước châu Phi, Trung Đông. Việc thuyết phục các nước này tham gia kế hoạch áp giá trần như vậy dường như khó khả thi, chưa kể nếu kế hoạch không được thực thi thận trọng có thể khiến giá dầu tăng vọt.
Moscow nhiều lần cảnh báo, việc phương Tây áp trừng phạt với ngành năng lượng của Nga không khác nào "tự sát". Hãng tin Interfax ngày 20/7 dẫn phát biểu trên truyền hình của Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, Nga sẽ ngừng cung cấp dầu cho thị trường thế giới nếu bị áp giá trần. Cùng ngày, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh, giá dầu sẽ tăng vọt nếu phương Tây áp giá trần với dầu mỏ Nga.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/eu-thong-qua-goi-trung-phat-thu-7-nga-canh-bao-cat-cung-dau-cho-the-gioi-20220721064857382.htm