Liên minh châu Âu (EU) được cho đang tính tới việc nới lỏng một số lệnh trừng phạt áp lên Nga để ngăn ngừa nguy cơ bùng phát một cuộc khủng hoảng lương thực và phân bón trên diện rộng.
Chiến sự Nga - Ukraine kéo dài gần 5 tháng qua đã tác động nghiêm trọng tới thế giới, làm dấy lên nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực toàn cầu (Ảnh: Reuters).
Trong một tài liệu dự thảo của EU mà Reuters tiếp cận được, Liên minh châu Âu dự kiến sẽ sửa đổi các biện pháp trừng phạt áp lên Nga vào ngày mai, 20/7. Cụ thể, EU sẽ cho phép "rã băng" một số khoản ngân sách của các ngân hàng lớn của Nga để xử lý tình trạng tắc nghẽn trong hoạt động thương mại liên quan tới thực phẩm và phân bón.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh, một số lãnh đạo châu Phi đã phàn nàn về tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt phương Tây áp lên Nga và cảnh báo điều này có thể dẫn tới sự thiếu hụt các mặt hàng nói trên.
Nếu thông tin là chính xác, các nước EU sẽ có thể giải phóng các nguồn lực kinh tế bị phong tỏa trước đây thuộc sở hữu của các tổ chức cho vay hàng đầu của Nga là VTB, Sovcombank, Novikombank, Otkritie FC Bank, VEB, Promsvyazbank và Bank Rossiya.
Thêm vào đó, Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga, cũng sẽ không bị đóng băng các nguồn lực cần thiết cho hoạt động thương mại liên quan tới thực phẩm, một quan chức EU nói với Reuters.
Tài liệu dự thảo cho biết, các khoản ngân sách của các ngân hàng trên có thể được giải phóng "nếu quỹ hoặc nguồn lực kinh tế đó được xác định là cần thiết cho việc mua, nhập khẩu hoặc vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm, bao gồm lúa mì và phân bón".
Theo các biện pháp trừng phạt sửa đổi, EU cũng có kế hoạch tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu thực phẩm từ các cảng của Nga.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, phương Tây đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm gây áp lực buộc Moscow khép lại chiến sự.
Nga là nhà xuất khẩu phân bón và lúa mì lớn nhất thế giới và việc áp đặt trừng phạt Nga đã khiến giá cả các mặt hàng ngũ cốc, phân bón tăng vọt, đồng thời xuất hiện tình trạng thiếu nguồn cung làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/eu-tinh-noi-long-lenh-trung-phat-nga-20220719202204780.htm