Mỹ sẽ cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga để đáp trả việc Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Anh và EU cũng lên kế hoạch giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AFP).
"Chúng ta sẽ cấm toàn bộ hoạt động nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga. Điều đó có nghĩa là dầu mỏ Nga sẽ không được chấp nhận ở các cảng của Mỹ", Reuters dẫn tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/3.
Tổng thống Biden đã thảo luận với giới chức châu Âu nhằm giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga nhằm cô lập nền kinh tế của Nga. Chủ nhân Nhà Trắng cho biết, quyết định cấm vận dầu mỏ, khí đốt Nga được đưa ra trên cơ sở tham vấn chặt chẽ các đồng minh và đối tác trên thế giới.
Tổng thống Biden dự đoán, lệnh cấm vận này sẽ khiến giá năng lượng tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, ông cam kết sẽ làm mọi việc có thể để giảm thiểu tác động tiêu cực đến người dân. Ông cũng cảnh báo các doanh nghiệp năng lượng trong nước lợi dụng tình hình để trục lợi, thao túng giá.
Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trong năm 2021, trung bình mỗi tháng, Mỹ nhập khẩu hơn 20,4 triệu thùng dầu thô và sản phẩm hóa dầu từ Nga, chiếm 8% lượng nhập khẩu nhiên liệu dạng lỏng của Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cũng nhập khẩu một lượng lớn than đá từ Nga.
Mỹ được coi là ít phụ thuộc vào năng lượng của Nga hơn so với châu Âu. Năm ngoái, trung bình, mỗi ngày châu Âu nhập khẩu khoảng 4,5 triệu thùng dầu từ Nga. Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt và 30% nhu cầu dầu mỏ cho châu Âu.
Tuy chưa ban hành một lệnh cấm vận như của Mỹ, nhưng chính phủ Anh hôm qua tuyên bố sẽ giảm dần phụ thuộc vào năng lượng của Nga với kế hoạch giảm nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu của Nga trước cuối năm nay. Kế hoạch này giúp các doanh nghiệp và thị trường Anh có đủ thời gian tìm kiếm nguồn nhập khẩu thay thế.
Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) cũng thông báo kế hoạch giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga với các biện pháp như tìm nguồn cung thay thế, tăng cường dự trữ và cải thiện hiệu quả tiêu thụ năng lượng.
"Đến cuối năm nay, chúng tôi có thể thay thế 100 tỷ m3 khí đốt nhập khẩu từ Nga, tương đương 2/3 lượng nhập khẩu hiện nay. Điều này sẽ chấm dứt sự phụ thuộc quá mức vào năng lượng Nga và mang đến nhiều lựa chọn hơn", Reuters dẫn lời Phó chủ tịch EU Frans Timmermans cho hay.
Động thái trên được cho là nhằm gây sức ép với Nga sau khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trước đó, Mỹ và châu Âu cũng áp hàng loạt lệnh trừng phạt "chưa từng có" với Nga.
Nga hiện chưa bình luận về các động thái của Mỹ và phương Tây, nhưng trước đó, Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak cảnh báo, một lệnh cấm vận đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ là "thảm họa" với thị trường toàn cầu, giá dầu có thể vọt lên hơn 300 USD/thùng. Ông cũng khẳng định, Nga vẫn có thể tìm kiếm các thị trường thay thế nếu phương Tây cấm vận năng lượng của Moscow.
Theo Minh Phương/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/my-cam-van-dau-mo-khi-dot-cua-nga-20220309045626171.htm