Tổng thống Nga Vladimir Putin phải đối mặt với 2 lựa chọn khó khăn: hoặc dùng sức mạnh quân sự áp đặt ảnh hưởng lên Ukraine hoặc duy trì quan hệ với châu Âu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).
Mối quan hệ phụ thuộc giữa Nga và các nước châu Âu là điều từ lâu không thể phủ nhận. Bất chấp căng thẳng, châu Âu vẫn cần dầu và khí đốt Nga, trong khi Moscow vẫn phụ thuộc không nhỏ vào nguồn thu từ việc xuất khẩu năng lượng cho khu vực này.
Khí đốt Nga chiếm khoảng 40% tổng nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Tại Đức, nguồn cung khí đốt từ Nga chiếm tới hơn 55%, dầu mỏ chiếm 25%. Trong khi đó, Nga phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu từ năng lượng, chiếm hơn 30% nền kinh tế và hơn 60% tỷ trọng xuất khẩu.
Điều này có nghĩa, ngay cả khi áp lệnh trừng phạt, châu Âu vẫn cần tiếp tục mua năng lượng của Nga bất kể đường ống khí đốt Nord Stream 2 cuối cùng có được hoạt động hay không. Mặc dù vậy, châu Âu có thể sẽ từng bước hạn chế nhập khẩu năng lượng của Nga, tìm kiếm các nguồn cung thay thế.
Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc ngày càng trở nên gần gũi hơn, Trung Quốc có thể trở thành thị trường thay thế châu Âu, song điều đó cũng không thể diễn ra một sớm một chiều.
Cả Nga và Trung Quốc đều đang tìm cách kiềm chế ảnh hưởng của Mỹ ở cả châu Âu và châu Á, song liệu Nga có sẵn sàng từ bỏ thị trường châu Âu và liệu Trung Quốc có muốn "chọc giận" châu Âu hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Không chỉ Nga, Trung Quốc cũng có những lợi ích ngoại giao thương mại quan trọng ở châu Âu, điều mà họ không muốn liều lĩnh làm tổn hại tới.
Alexander Gabuev, chủ tịch Chương trình châu Á - Thái Bình Dương tại trung tâm Carnegie Moscow, bình luận mặc dù quan hệ Nga - Trung ngày càng gần gũi, nhưng đó "không phải quan hệ kiểu đồng minh để có thể giúp đỡ nhau trên mọi lĩnh vực một cách vô điều kiện".
Tác động của rạn nứt lớn trong quan hệ với châu Âu có thể kéo dài một thập niên và sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Nga với tư cách là một đối tác ngoại giao và thương mại đáng tin cậy thậm chí trong khoảng thời gian dài hơn nữa.
Ngoài ra, không chỉ châu Âu, khi đó, Mỹ cũng có thể giáng những đòn trừng phạt kinh tế với Nga, đặc biệt là các ngân hàng và ngành nhập khẩu linh kiện công nghệ chủ chốt như thiết bị bán dẫn.
Đó là điều mà ông Putin không hề mong muốn. Mặt khác, nếu lựa chọn duy trì quan hệ kinh tế với châu Âu, Nga có thể làm gì để ngăn Ukraine ngày càng xích lại gần phương Tây?
Nigel Gould-Davies, cựu quan chức ngoại giao Anh và hiện làm việc tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế , cho rằng việc Nga gây sức ép buộc phương Tây đồng ý với các đề xuất an ninh mà Moscow đưa ra không phải là giải pháp thay thế cho hành động quân sự, mà chỉ là "màn dạo đầu". Theo ông, việc Nga tăng cường hiện diện quân sự gần biên giới Ukraine, cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu cho thấy sự chuẩn bị chưa từng có cho một hành động quân sự.
Sự phản ứng cứng rắn của Mỹ và châu Âu khiến ông Putin không còn nhiều lựa chọn, thậm chí khiến Moscow rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. "Một phương án quân sự không chắc chắn khiến vị thế của Nga trên bàn đàm phán thậm chí còn tệ hơn trước khi Nga tăng cường hiện diện quân sự", ông Gould-Davies nói.
Theo ông Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, ông Putin cuối cùng có thể sẽ lựa chọn phương án tuyên bố chiến thắng ngoại giao và nói rằng ông đã buộc phương Tây phải chấp nhận đàm phán các đề xuất an ninh. Một trong các đề xuất đó là khôi phục lại thỏa thuận Minsk - thỏa thuận về lệnh ngừng bắn giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai ở miền đông.
Ông Trenin nhận định, ông Putin sẽ không lựa chọn phương án động binh với Ukraine bởi những thiệt hại mà nó có thể gây ra, trong đó có thiệt hại kinh tế. Tuy vậy, ông cũng không loại trừ khả năng Moscow "nắn gân" Ukraine và phương Tây bằng các hoạt động quân sự quy mô nhỏ hơn hoặc các hành động ít có nguy cơ khiến Nga hứng lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/khung-hoang-ukraine-hai-lua-chon-kho-khan-cua-ong-putin-20220210155530406.htm