Thủ tướng New Zealand cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể không kết thúc với biến chủng Omicron, và các chủng virus mới có thể sẽ xuất hiện trong năm nay.
Biến chủng Omicron đang gây ra làn sóng lây nhiễm mới tại nhiều quốc gia trên thế giới (Ảnh minh họa: Bloomberg).
"Lời khuyên từ các chuyên gia là Omicron sẽ không phải biến chủng cuối cùng mà chúng ta phải đối mặt trong năm nay", Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói với các nhà lập pháp trong bài phát biểu được phát trực tiếp hôm 8/2.
"Đại dịch vẫn chưa kết thúc. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể tiến về phía trước", bà Ardern nói thêm.
Cảnh báo của Thủ tướng Ardern được đưa ra khi hàng trăm người biểu tình tụ tập bên ngoài tòa nhà quốc hội ở thủ đô Wellington, yêu cầu chính phủ chấm dứt các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19 và tiêm chủng vaccine bắt buộc.
Chính phủ của Thủ tướng Ardern đã thực thi một số biện pháp hạn chế khắc nghiệt nhất ở New Zealand trong 2 năm qua nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19. Các biện pháp này giúp duy trì số ca nhiễm và tử vong tại New Zealand ở mức thấp. Với dân số khoảng 5 triệu người, New Zealand cho đến nay chỉ ghi nhận khoảng 18.000 ca mắc Covid-19 và 53 trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, các biện pháp chống dịch cũng làm dấy lên làn sóng giận dữ khi nhiều người New Zealand bị cách ly tại nhà, hàng chục nghìn người không thể trở về gặp gia đình do đóng cửa biên giới. Các biện pháp này cũng gây thiệt hại cho các doanh nghiệp vốn phụ thuộc vào khách du lịch quốc tế.
Tuần trước, chính phủ New Zealand cho biết, tới tháng 10, nước này sẽ mở lại biên giới theo từng giai đoạn.
Số ca nhiễm Omicron tại New Zealand đang tăng lên kể từ khi một số biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng gần đây. New Zealand đã ghi nhận số ca nhiễm trong ngày lớn nhất từ trước đến nay với 243 ca hôm 5/2.
Biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi và hiện lan ra hơn 100 quốc gia trên thế giới. Biến chủng này gây lo ngại bởi có chứa hơn 50 đột biến, trong đó có hơn 30 đột biến trên protein gai, cấu trúc có thể ảnh hưởng đến khả năng lây lan hoặc né miễn dịch của virus.
Khi virus càng lây lan, nó càng có cơ hội đột biến để tạo ra các biến chủng khác. Omicron có khả năng lây lan cao hơn nhiều so với các biến chủng khác của SARS-CoV-2, thậm chí ở cả những khu vực có tỷ lệ miễn dịch cao nhờ vaccine và do nhiễm bệnh trước đó.
Giới chuyên gia chưa thể đoán định được biến chủng tiếp theo sẽ như thế nào và sẽ ảnh hưởng như thế nào đến diễn biến đại dịch. Họ cũng không chắc chắn liệu các biến chủng sau sẽ gây bệnh nhẹ hơn và liệu vaccine hiện tại có còn hiệu quả cao hay không.
Các chuyên gia cho biết các biến chủng mới vẫn tiếp tục xuất hiện, nhưng không đồng nghĩa với việc chúng sẽ trở nên nguy hiểm hơn. Mức độ nguy hiểm của biến chủng mới sẽ được xác định sau khi các nhà khoa học tiến hành tìm hiểu thêm về cách thức hoạt động của chúng.
Nhiều biến chủng SARS-CoV-2 đã được phát hiện trong 2 năm qua với khả năng lây nhiễm và độc lực khác nhau. Tuy nhiên, chỉ một số biến chủng được cho là gây nguy hiểm nhiều hơn, có tỷ lệ tử vong cao hơn hoặc dễ lây lan hơn.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/canh-bao-nguy-co-xuat-hien-cac-chung-virus-moi-sau-bao-omicron-20220208120539968.htm