Những ngày đầu năm 2022, Mỹ liên tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự với lực lượng hải quân hùng hậu, thậm chí điều động cả tàu ngầm mang theo tên lửa chứa đầu đạn hạt nhân, để tăng cường răn đe Trung Quốc ở khu vực.
Ngày 25.1, trang web của Hạm đội Thái Bình Dương - hải quân Mỹ thông báo Nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) 1 được dẫn đầu bởi tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70) và Nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) 3 được dẫn đầu bởi tàu sân bay USS Abraham Lincoln (CVN 72) phối hợp diễn tập tại Biển Đông từ ngày 23.1.
Lực lượng tàu chiến hùng hậu của Mỹ và Nhật ở biển Philippine vào ngày 22.1
Lực lượng hùng hậu, tác chiến linh hoạt
Cụ thể, CSG 1 gồm tàu USS Carl Vinson và tàu tuần dương USS Lake Champlain (CG-57), 2 tàu khu trục USS Stockdale (DDG-106) và USS Chafee (DDG-90), các tàu hỗ trợ USNS Yukon và USNS Washington Chambers (T-AKE-11). Còn CSG 3 gồm tàu sân bay USS Abraham Lincoln (CVN-72), tàu tuần dương USS Mobile Bay (CG-53), các tàu khu trục USS Fitzgerald (DDG-62), USS Gridley (DDG 101), USS Sampson (DDG-102) và USS Spruance (DDG-111).
Bên cạnh đó, thông báo của Hạm đội Thái Bình Dương cũng đăng tải hình ảnh lực lượng chiến hạm hùng hậu của Mỹ và Nhật vừa phối hợp hoạt động chung ở biển Philippine ngày 22.1, trước khi CSG 1 và CSG 3 tiến vào Biển Đông. Cụ thể, tại biển Philippine, ngoài CSG 1 và CSG 3 thì Mỹ còn có 2 nhóm sẵn sàng tác chiến đổ bộ được dẫn đầu bởi 2 tàu đổ bộ tấn công là USS Essex thuộc lớp Wasp và tàu USS America thuộc lớp America. Về phía Nhật thì có tàu khu trục chuyên dụng mang máy bay trực thăng JS Hyuga. Hiện nay, Mỹ đã triển khai chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35B cho các tàu lớp Wasp và America, nên các chiến hạm USS Essex và USS America thực tế có thể triển khai tác chiến như tàu sân bay. Chính vì thế, việc kết hợp cùng lúc CSG 1, CSG 3 cùng 2 nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ Essex và America hình thành nên một lực lượng quân sự cực kỳ hùng hậu mà Mỹ hiếm khi điều động trong thời gian qua.
Lý giải về hoạt động trên, đại diện hải quân Mỹ cho biết nhằm tăng cường năng lực phối hợp, hoạt động để đảm bảo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) tự do và rộng mở. Vốn dĩ, đây là chiến lược của Mỹ nhằm đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Indo-Pacific. Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đại lục đang tăng cường gây áp lực quân sự ở eo biển Đài Loan, phía bắc Biển Đông, bằng cách cấp tập điều động chiến đấu cơ.
Tàu ngầm hạt nhân USS Nevada tại Guam ngày 15.1
Không những điều động lực lượng hùng hậu, Washington còn thử nghiệm nhiều phương án tác chiến. Cụ thể, trước đây, các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ thường đến Biển Đông thông qua eo biển Ba Sĩ, nằm giữa Đài Loan và Philippines. Tuy nhiên, từ năm ngoái, hải trình của tàu sân bay Mỹ vào Biển Đông trở nên đa dạng hơn, có khuynh hướng đi qua những vùng biển hẹp giữa các quần đảo của Philippines. Điển hình, ngày 11.1, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson thông qua eo biển Balabac để đến Biển Đông rồi tập trận chung với nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ Essex tại vùng biển này.
Nhận xét khi trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy tại Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho rằng việc đa dạng các phương án tác chiến như trên nhằm tăng cường khả năng răn đe, vô hiệu hóa chiến lược phong tỏa/chống tiếp cận (A2/AD) mà Trung Quốc áp dụng ở khu vực.
Tăng cường răn đe bằng “sức mạnh hủy diệt”
Không những vậy, Lầu Năm Góc ngày 15.1 công bố hình ảnh tàu ngầm hạt nhân USS Nevada vừa đến đảo Guam. Theo CNN, đây là lần đầu tiên một tàu ngầm mang theo tên lửa đạn đạo chứa đầu đạn hạt nhân đến Guam kể từ năm 2016, và là lần thứ 2 mà một chuyến thăm như vậy được công bố chính thức kể từ thập niên 1980.
Khiến Bắc Kinh phải lo ngại khi muốn gây hấn Việc xuất hiện ở Biển Đông và các khu vực lân cận thường xuyên hơn và không thể đoán trước chứng tỏ quân đội Mỹ và các đối tác trong khu vực có thể xuất hiện trên chiến trường với đủ sức mạnh chiến đấu để đánh bại bất cứ chiến lược nào của Trung Quốc. Nếu chúng tôi và các đối tác thể hiện năng lực ấn tượng, quyết tâm sử dụng năng lực đó để đáp trả mối đe dọa thì sẽ khiến Bắc Kinh tin tưởng vào khả năng và quyết tâm của chúng tôi, chúng tôi có thể khiến Bắc Kinh lo ngại khi muốn gây hấn. TS James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải - Đại học Hải chiến Mỹ) |
USS Nevada mang theo 20 tên lửa đạn đạo Trident với hàng chục đầu đạn hạt nhân được xem như một thứ vũ khí mang sức mạnh hủy diệt. Chuyến hải hành lần này của USS Nevada cũng được Lầu Năm Góc nhấn mạnh là nhằm tăng cường sức mạnh cho chiến lược Indo-Pacific tự do và rộng mở. Thực tế, Washington đang theo đuổi chiến lược tăng cường răn đe bằng sức mạnh hạt nhân đối với Bắc Kinh trong khu vực. Vào tháng 9.2021, Mỹ cùng Anh và Úc công bố thành lập liên minh AUKUS để tăng cường hoạt động ở Indo-Pacific. Nằm trong tuyên bố này, Mỹ và Anh sẽ cung cấp công nghệ để Úc sở hữu hạm đội ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Trả lời Thanh Niên, TS James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải - Đại học Hải chiến Mỹ) nhận định khi sở hữu tàu ngầm hạt nhân có khả năng hoạt động lâu hơn so với loại tàu ngầm hiện có, Úc sẽ đẩy mạnh các hoạt động ở Biển Đông dễ dàng hơn nhằm đối phó những hành động của Trung Quốc tại vùng biển này. Trước mắt, khi Canberra chưa thể sớm vận hành tàu ngầm hạt nhân, hải quân Mỹ sắp triển khai các tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia đến đồn trú ở căn cứ HMAS Stirling của hải quân Úc tại TP.Perth. Khi kết hợp thêm lực lượng tàu ngầm hạt nhân từ căn cứ HMAS Stirling, Mỹ sẽ hình thành nên mạng lưới các căn cứ dễ dàng tiếp cận Biển Đông. Đó là các căn cứ ở Nhật Bản, đảo Guam, bang Hawaii (Mỹ) và căn cứ HMAS Stirling. Tất cả hình thành nên một vành đai răn đe hạt nhân nhằm vào Trung Quốc.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/nac-thang-moi-cua-my-ran-de-quan-su-trung-quoc-post1425025.html