Sau khi 4 cuộc đối thoại gần đây giữa Nga và phương Tây không tạo ra đột phá, ngày càng có thêm dấu hiệu cho thấy căng thẳng leo thang.
Phương Tây tiếp tục đưa ra cảnh báo nhắm vào Nga, dù Moscow đã bác bỏ kế hoạch tấn công Ukraine.
Mỹ có thể “động binh”
AFP ngày 25.1 dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho hay Mỹ đã đặt 8.500 binh sĩ trong tình trạng báo động về căng thẳng liên quan Ukraine, theo AFP. Ông Kirby cho biết thêm nếu Lực lượng Phản ứng NATO (NRF) được huy động, số binh sĩ này có thể được triển khai để tăng cường sức mạnh cho lực lượng quốc gia trong những đồng minh NATO có biên giới giáp với Nga.
Cũng theo ông Kirby, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có thể triển khai binh sĩ để đối phó các “tình huống bất ngờ”, nhưng binh sĩ Mỹ sẽ không được điều đến Ukraine vì nước này không phải là thành viên của NATO.
Ông Kirby còn khẳng định Nga tiếp tục gia tăng hiện diện quân sự ở gần biên giới giáp với Ukraine. Nga được cho là đang bố trí hơn 100.000 binh sĩ cùng thiết bị quân sự hạng nặng có khả năng đặt Ukraine trong tầm tấn công.
Mỹ và các đồng minh NATO đã nhiều lần cảnh báo Moscow về lệnh cấm vận và những hành động khác có thể sẽ gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế Nga nếu nước này tấn công Ukraine. Ngày 24.1, Tổng thống Mỹ Joe Biden còn tuyên bố có “sự đoàn kết tuyệt đối” giữa các nước phương Tây trong việc đối phó Nga. Ông Biden đưa ra tuyên bố này sau khi tham dự hội nghị trực tuyến với lãnh đạo từ các nước đồng minh ở châu Âu và thuộc NATO. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thì cảnh báo về những “tổn thất nghiêm trọng” nếu Moscow tấn công Ukraine. Ông Stoltenberg còn tuyên bố NATO có thể triển khai thêm các đơn vị tác chiến ở Đông Âu nhằm đối phó việc Nga tăng cường hiện diện quân sự gần biên giới Ukraine, theo Reuters.
Lính thủy đánh bộ Mỹ trong một cuộc tập trận chung ở miền nam Ukraine
Phản ứng của Nga
Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 24.1 cáo buộc Mỹ và các đồng minh của nước này làm leo thang căng thẳng Đông - Tây bằng cách thông báo những kế hoạch tăng cường lực lượng của NATO ở Đông Âu và sơ tán gia đình của các nhân viên ngoại giao khỏi Đại sứ quán Mỹ ở Ukraine, theo Reuters.
Tuyên bố quân đội Nga sẽ không làm ngơ trước những hoạt động của NATO gần biên giới nước này, ông Peskov còn nhấn mạnh nguy cơ về một cuộc xung đột quân sự ở miền đông Ukraine do Kiev châm ngòi cao hơn bao giờ hết. Ông khẳng định Ukraine đã triển khai số lượng lớn binh sĩ đến gần những khu vực do các lực lượng ly khai ủng hộ Nga kiểm soát, cho rằng đó là chỉ dấu Kiev đang chuẩn bị tấn công lực lượng ly khai. Ukraine đã bác bỏ cáo buộc này.
Thực hư tin ông Tập đề nghị ông Putin chưa tấn công Ukraine
Bloomberg ngày 22.1 dẫn lời một nhà ngoại giao từ Bắc Kinh cho rằng trong những cuộc điện đàm gần đây, có khả năng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin không tấn công Ukraine trong lúc Thế vận hội Mùa đông diễn ra ở Bắc Kinh từ ngày 4 - 20.2. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 24.1 khẳng định thông tin nói trên từ Bloomberg là bịa đặt, không chỉ nhằm bôi nhọ quan hệ Trung - Nga mà còn cố tình phá hoại Thế vận hội Mùa đông, theo website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Tương tự, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 24.1 khẳng định đó là tin giả, theo Hãng tin TASS.
Những cảnh báo và tuyên bố trên được đưa ra sau khi các cuộc đối thoại giữa Nga và phương Tây vừa qua không tạo ra đột phá nào để có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng. Tuy nhiên, các bên liên quan vẫn ưu tiên tìm kiếm giải pháp ngoại giao. Chẳng hạn, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã nhất trí tiếp tục đối thoại sau khi cuộc gặp giữa họ ở Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 21.1 không đạt được đột phá, theo Đài NHK.
Ngoài ra, AFP hôm qua dẫn lời một phụ tá của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho hay một số quan chức Nga và Ukraine sẽ hội đàm với người đồng cấp Pháp và Đức ở Paris vào ngày 26.1 để tìm cách hạ nhiệt căng thẳng.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/bao-dong-cang-thang-nga-phuong-tay-post1424747.html