Nhật Bản sẽ bổ sung 10 tàu tuần tra mới vào hạm đội tuần duyên trong những năm, tới nhằm tăng cường nỗ lực đối phó với các hoạt động ngày càng gia tăng của Trung Quốc quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Lực lượng tuần duyên tập trận với Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản vào ngày 22/12/2021 ở phía đông đảo Izu-Oshima (Ảnh: SCMP).
Theo SCMP, chiếc đầu tiên trong số các tàu tuần duyên bổ sung, nặng 1.300 tấn và với thủy thủ đoàn 30 người, sẽ được triển khai trong vòng 2 năm tới, và số còn lại sẽ được hạ thủy trước cuối thập niên này.
Cảnh sát biển của Nhật Bản không phải là một tổ chức quân sự, nhưng theo Đạo luật Thực thi Nhiệm vụ của Cảnh sát, các tàu của nước này được phép nổ súng vào các tàu nước ngoài để ngăn chặn "tội ác ghê gớm", bao gồm cả nỗ lực xâm nhập quần đảo Senkaku, Chánh văn phòng Nội các Katsunobu Kato cho hay.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản hôm 3/1 cáo buộc các tàu của Trung Quốc đang ngày càng đi sâu vào vùng biển xung quanh các đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, với 34 lần "xâm nhập" vào năm 2021, tăng so với con số 24 lần vào năm 2020. Các tàu Trung Quốc cũng đã hoạt động trong vùng tiếp giáp, ngoài giới hạn 12 hải lý của lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo, vào 332 ngày vào năm ngoái, ít hơn 1 ngày của năm 2020.
Lực lượng tuần duyên Nhật Bản cũng cáo buộc các tàu của chính phủ Trung Quốc tiếp cận các tàu dân sự của nước này, chủ yếu do ngư dân tỉnh Okinawa điều hành, 18 lần vào năm ngoái, tăng so với chỉ 8 trường hợp ở vùng biển gần quần đảo này vào năm 2020.
Tokyo rất lo ngại về Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc, vốn cho phép lực lượng tuần duyên nước này sử dụng "tất cả các biện pháp cần thiết" để ngăn chặn các mối đe dọa do tàu nước ngoài gây ra trong vùng biển "thuộc quyền tài phán của Trung Quốc", vì nó có thể khiến các lực lượng tuần duyên Trung Quốc có quyền hành động đối với tàu đánh cá của Nhật Bản.
Các lựa chọn của Nhật Bản
Chuyên gia cấp cao John Bradford về an ninh hàng hải khu vực thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore cho biết, trong hoàn cảnh hiện tại, Nhật Bản đứng trước hai lựa chọn. "Nhật Bản có thể mạnh mẽ đáp trả hoặc chấp nhập thực tế, cả về vấn đề lãnh thổ có chủ quyền và về việc cho phép Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự tới gần lục địa Nhật Bản", ông Bradford nói.
Mặc dù chiến lược đầu tư vào các tàu mới của Tokyo là "đáng kể", nhưng theo ông nó không có khả năng làm thay đổi tình hình trong khu vực, vì Trung Quốc có thể phản ứng đơn giản bằng cách đầu tư cho lực lượng tuần duyên, thường xuyên đi vào vùng biển mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền hoặc tích cực truy đuổi ngư dân Nhật Bản hơn nữa.
"Tôi không cho rằng, một trong hai bên sẽ lùi bước", ông Bradford nhận định.
Các nhà phân tích cho rằng, "điểm nóng" tiềm năng có thể khiến hai bên leo thang xung đột là nguy cơ xảy ra vụ va chạm ngẫu nhiên hoặc đụng độ giữa các tàu, mặc dù chuyên gia Bradford cho biết những sự cố như vậy đã từng xảy ra và cả Trung, Nhật và Mỹ nỗ lực giảm leo thang và xoa dịu tình hình.
Ông Bradford, một cựu tư lệnh Hải quân Mỹ, từng là Phó giám đốc sở chỉ huy hàng hải của Hạm đội 7 tại Nhật Bản, còn cho rằng có hai kịch bản khác sẽ khó dự đoán hơn và khó quản lý hơn.
Kịch bản thứ nhất là sự xuất hiện của các thành phần phi chính phủ, chẳng hạn như các nhóm dân tộc chủ nghĩa từ Nhật Bản, Trung Quốc đại lục hoặc thậm chí đảo Đài Loan, cũng tuyên bố chủ quyền đối với lãnh thổ, đổ bộ lên một trong những hòn đảo tranh chấp thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để khẳng định tuyên bố chủ quyền của họ.
Kịch bản thứ hai là một chủ thể địa phương, chẳng hạn như chính quyền hoặc tổ chức khu vực, hành động bất chấp yêu cầu từ cơ quan khác, như chính phủ trung ương, và vô tình làm tình hình leo thang. Ông cho biết đã có tiền lệ cho kịch bản này. Vào tháng 9/2010, thuyền trưởng của tàu đánh cá Trung Quốc Minjinyu 5179 bị bắt giữ ở Okinawa sau khi cố tình đâm vào một tàu tuần duyên Nhật Bản khi tàu này muốn ngăn cản Minjinyu 5179 hoạt động ở vùng biển gần quần đảo tranh chấp. Đại úy Zhan Qixiong đã bị giam giữ trong 10 ngày cho đến khi Tokyo ra lệnh thả.
Cuối tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi đã đồng ý khởi động một đường dây nóng quân sự vào năm 2022 để xoa dịu căng thẳng. Ông Kishi kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế và không đơn phương thay đổi hiện trạng, trong khi ông Ngụy Phượng Hòa cam kết Trung Quốc sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích của mình trên biển.
Theo Thanh Thành/Dân trí (nguồn SCMP)
https://dantri.com.vn/the-gioi/nhat-ban-se-bo-sung-10-tau-cho-ham-doi-tuan-duyen-doi-pho-trung-quoc-20220105140820735.htm