Ấn Độ được cho là đã âm thầm hạ thủy tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo thứ ba, bổ sung năng lực cho tam giác hạt nhân của nước này.
Chuyên san quốc phòng Janes Defence Weekly mới đây phân tích hình ảnh từ vệ tinh cho biết Ấn Độ đã hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ ba thuộc lớp Arihant tại Trung tâm đóng tàu ở thành phố Visakhapatnam ở bờ biển phía đông, theo Sputnik.
Theo đó, lễ hạ thủy được tiến hành vào ngày 23.11.2021 và con tàu tạm gọi là S4 được đưa vào cầu tàu gần chỗ neo đậu của chiếc tàu lớp Arihant thứ hai là INS Arighat.
Tàu Arighat được hạ thủy vào tháng 11.2014 và đang chờ biên chế sau thời gian bị trì hoãn do dịch Covid-19.
Hình ảnh cho thấy chiếc tàu S4 lớn hơn các phiên bản trước, với chiều dài được ước tính là 125,4 m và lượng choán nước được cho là 7.000 tấn. Chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu này - INS Arihant dài 111,6 m và có lượng choán nước 6.000 tấn.
Chiều dài tăng thêm được cho là giúp tàu ngầm tăng gấp đôi số ống phóng tên lửa lên con số 8 và có thể mang theo 8 tên lửa đạn đạo K-4 (tầm bắn 3.500 km) hoặc 24 tên lửa đạn đạo K-15 (tầm bắn 750 km).
Tàu ngầm hạt nhân INS Arihant REUTERS
Theo The Wire, các chuyên gia Nga được cho là tham gia vào khâu thiết kế và thu nhỏ lò phản ứng cho tàu ngầm lớp Arihant. Việc hợp tác này từ lâu được coi là một “bí mật mở” trong giới hải quân, hạt nhân. Tuy nhiên, tại sự kiện hạ thủy tàu Arihant vào năm 2009, thông tin này lần đầu tiên được đại sứ Nga tại Ấn Độ khi đó là V.I. Trubnikov tiết lộ.
Tàu Arihant được biên chế vào tháng 8.2016 và hoàn tất chuyến tuần tra đầu tiên vào tháng 11.2018. Chuyến tuần tra dự kiến được thực hiện trong năm 2017 nhưng do sự cố bị ngập nước ở bộ phận động cơ đẩy khiến quá trình bị trì hoãn.
Các nguồn tin của The Wire tiết lộ các hệ thống trên hai tàu kế tiếp hầu như tương tự trên tàu Arihant. Tàu ngầm được trang bị lò phản ứng nước áp lực công suất 82,5 megawatt. Vận tốc khi nổi 18,5 km/giờ trong khi vận tốc khi lặn tối đa là 44,4 km/giờ.
Các tàu ngầm hạt nhân lớp Arihant là một phần quan trọng trong tam giác hạt nhân của Ấn Độ, gồm các vũ khí phóng từ trên biển, trên không và trên bộ.
Ấn Độ có kế hoạch biên chế ít nhất 4 chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo với lựa chọn đóng thêm 2 chiếc nữa, nhằm gia tăng năng lực tấn công trên biển.
Hải quân Ấn Độ mở rộng hạm đội tàu ngầm giữa lúc các nước xung quanh cũng đang gia tăng năng lực hải quân. Myanmar ngày 24.12.2021 biên chế một tàu ngầm điện-diesel từng của Trung Quốc trong khi Bangladesh nhận 2 tàu ngầm lớp Minh cũng của Trung Quốc vào năm 2017. Pakistan dự kiến biên chế tàu ngầm lớp Nguyên Type-039A thứ 8 vào năm 2027.
Theo Vi Trân/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/an-do-am-tham-ha-thuy-tau-ngam-hat-nhan-thu-ba-post1417088.html