24
/
121687
Trung Quốc thay đổi cách đầu tư để "lấy lòng" các nước Trung Á
trung-quoc-thay-doi-cach-dau-tu-de-lay-long-cac-nuoc-trung-a
news

Trung Quốc thay đổi cách đầu tư để "lấy lòng" các nước Trung Á

Chủ nhật, 19/12/2021 | 05:14:11
1,650 lượt xem

Trung Quốc đang dần thay đổi cách đầu tư vào Trung Á từ chiến lược sáng kiến Vành đai - Con đường sang phát triển thương mại toàn cầu.

Một dự án của Trung Quốc ở Trung Á (Ảnh: SCMP).

SCMP đưa tin sự thay đổi của Bắc Kinh một phần nguyên nhân là do các công ty Trung Quốc ngày càng phải thích ứng với những yêu cầu của chính phủ và người địa phương, những người muốn có thêm việc làm, đào tạo kỹ năng và ra nước ngoài làm việc.

Theo đó, thay vì thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, trong những năm gần đây, Bắc Kinh chuyển trọng tâm sang giúp các nền kinh tế Trung Á, đặc biệt là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, phát triển công nghiệp, theo báo cáo của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế.

"Hầu hết tất cả các công ty Trung Quốc đang nỗ lực hoạt động theo hướng phục vụ cộng đồng địa phương tốt hơn", Dirk van der Kley, nhà nghiên cứu tại trường Đại học Quốc gia Australia nói. Theo ông, Trung Quốc hướng tới các dự án chuyển giao năng lực sản xuất hoặc chế tạo hơn và chính các ngân hàng chính sách của Trung Quốc cũng đang siết chặt dòng vốn cho các dự án nhà máy nhiệt điện hơn trước đây. Các công ty Trung Quốc cũng đang xây dựng nhiều dự án năng lượng tái tạo hơn.

Theo báo cáo của Quỹ Carnegie, các công ty Trung Quốc cũng đã "tăng đều đặn tỷ lệ tuyển dụng nhân lực địa phương" ở Trung Á bằng cách nâng cao kỹ năng lao động tại chỗ và cả ở Trung Quốc khi Bắc Kinh đang trong quá trình thiết lập mạng lưới các trung tâm đào tạo nghề trên khắp khu vực.

Kể từ khi khởi động sáng kiến Vành đai - Con đường vào năm 2013, Trung Quốc đã vượt Nga để trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Trung Á. Theo Cơ quan Theo dõi Đầu tư Toàn cầu Trung Quốc của Viện Doanh nghiệp Mỹ, Bắc Kinh đầu tư hơn 17 tỷ USD vào các dự án ở Kazakhstan, khoảng 4 tỷ USD cho Uzbekistan và Kyrgyzstan và 710 triệu USD cho Tajikistan kể từ năm 2013.

Tuy nhiên, các dự án Vành đai - Con đường bị chỉ trích là thiếu minh bạch, phụ thuộc nhiều vào lao động Trung Quốc, vi phạm các tiêu chuẩn về môi trường và lao động, các khoản vay không bền vững khiến các nước rơi vào vòng xoáy nợ nần.

Tháng trước, truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa sáng kiến Vành đai - Con đường lên tầm "chất lượng cao, bền vững và lấy con người làm trung tâm", giữa lúc cạnh tranh kỹ thuật và công nghiệp gia tăng, biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 tạo ra môi trường quốc tế ngày càng phức tạp.

Jessica Neafie, phó giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Nazarbayev ở Kazakhstan, cho biết Trung Quốc tập trung vào nỗ lực "lấy lòng" các nước Trung Á trong bối cảnh Mỹ và Nga đang ngày càng mở rộng quyền lực và ảnh hưởng trong khu vực.

Tuy nhiên, không phải tất cả các chính phủ trong khu vực đều có thể áp dụng cùng một đòn bẩy đối với Bắc Kinh.

Là một nút trung chuyển quan trọng trên tuyến đường thương mại đường bộ tới châu Âu, "Kazakhstan có khả năng nói không với Trung Quốc", chuyên gia Neafie nói. Kazakhstan không giống như Tajikistan. Bà cho biết, trong khi Tajikistan nhận khoảng 400 triệu USD của Bắc Kinh để xây dựng đường cao tốc bất chấp, cảnh báo việc chỉ có các nhà thầu Trung Quốc thực hiện dự án "sẽ chỉ mang lại lợi ích cho các công ty vận tải hàng hóa Trung Quốc hơn là các tổ chức địa phương".

Trong khi đó, Kazakhstan đã gây sức ép thành công để Trung Quốc thuê thêm lao động địa phương và trả lương công bằng hơn cho họ, bà Neafie cho biết thêm.

Bà nói: "Chính phủ Kazakhstan thậm chí còn cắt giảm số lượng lao động nước ngoài được cấp thị thực vào nước này để buộc các công ty phải tuyển chọn lao động địa phương". Theo bà, khi Trung Quốc phải đối mặt với nhiều áp lực hơn từ các cường quốc khác, họ sẽ buộc phải quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu địa phương hoặc đánh mất ảnh hưởng của mình.

Tuy nhiên, tính bền vững trong các dự án của Trung Quốc vẫn là một vấn đề. Bà Neafie cho biết, các công ty Trung Quốc làm việc trong các ngành công nghiệp khai thác của Kazakhstan bị tố gây ra những sự cố môi trường tồi tệ nhất, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đối mặt cạnh tranh của các cường quốc khác

Các nhà phân tích cho biết, sáng kiến "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" (Build Back Better World 3BW) do Mỹ dẫn đầu, được đưa ra vào tháng 6 tại Hội nghị Thượng đỉnh G7, được xem như một giải pháp thay thế cho các kế hoạch Vành đai - Con đường của Bắc Kinh, có thể khiến Bắc Kinh phải sửa đổi thêm cách tiếp cận ở Trung Á.

"Khi Trung Quốc phải đối mặt với nhiều áp lực hơn từ các cường quốc khác, họ sẽ buộc phải quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu địa phương hoặc nếu không sẽ bị mất đi ảnh hưởng và nguồn năng lượng của mình", bà Neafie nói.

Ông Barton, thuộc Đại học Nottingham's Malaysia, cho biết suy thoái kinh tế ở Trung Quốc cũng chính là lý do buộc Bắc Kinh phải đánh giá lại các ưu tiên của mình. "Họ đang chuyển từ số lượng sang chất lượng làm tiêu chuẩn trong việc phê duyệt dự án", ông nói.

Tuy nhiên, ông Barton cho rằng sáng kiến Vành đai - Con đường "vẫn chiếm ưu thế hơn nhiều so với các đối thủ vì vẫn kiểm soát câu chuyện về tài chính và phát triển cơ sở hạ tầng".

Nhưng dù sao thì theo ông Yuan Jiang thuộc Đại học Công nghệ Queensland ở Australia, sự xuất hiện của sáng kiến 3BW sẽ cho phép các nước Trung Á lựa chọn dự án mang lại cho họ "một thỏa thuận tốt hơn" .

Theo Thanh Thành/ Dân Trí

https://dantri.com.vn/the-gioi/trung-quoc-thay-doi-cach-dau-tu-de-lay-long-cac-nuoc-trung-a-20211218210213933.htm

  • Từ khóa

Ông Trump dọa áp thuế quan: Tiền tệ biến động, chứng khoán thấp thỏm, vàng giằng co

Những người ủng hộ cho rằng đề xuất thuế quan sẽ giúp tăng cường vị thế của Mỹ để đàm phán thỏa thuận thương mại có lợi hơn với các quốc gia khác.
18:59 - 27/11/2024
239 lượt xem

Tại sao vaccine đậu mùa khỉ cho trẻ em ở Cộng hòa Dân chủ Congo bị trì hoãn?

Tuần này Cộng hòa Dân chủ Congo bắt đầu tiêm vaccine đậu mùa khỉ cho người lớn ở thủ đô Kinshasa, nhưng trẻ em, nhóm dễ bị tổn thương nhất, vẫn chưa có...
17:22 - 27/11/2024
287 lượt xem

Nhóm G7 rối bời với các cuộc chiến tranh khắp thế giới khi ông Biden sắp mãn nhiệm

Tại Ý, các nhà ngoại giao hàng đầu từ Nhóm G7 đã cố gắng thể hiện sự đoàn kết về xung đột Ukraine, đồng thời tranh luận về khác biệt liên quan đến Israel...
16:00 - 27/11/2024
308 lượt xem

Anh đưa ra lệnh trừng phạt nặng nề nhất nhằm vào 'hạm đội bóng tối'

Chính phủ Anh đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 30 tàu thuộc "hạm đội bóng tối" Liên bang Nga.
14:39 - 27/11/2024
332 lượt xem

Hướng đến chấm dứt ô nhiễm nhựa toàn cầu

Nhựa là loại vật liệu linh hoạt và được sử dụng rộng rãi, cho nên không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực, cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên,...
08:03 - 27/11/2024
512 lượt xem