Được coi là biểu tượng sức mạnh của một nền hải quân, tàu sân bay luôn được bọc lót khi tác chiến. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các công nghệ mới đã gây ra mối đe dọa cho những chiến hạm uy lực này.
Tên lửa Zircon của Nga, vũ khí được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay", trong một vụ thử nghiệm (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).
Tên lửa siêu vượt âm
Khác với tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu vượt âm có đường bay rất phức tạp, khó đoán, làm khó mọi hàng phòng thủ. Kết hợp với tốc độ tối thiểu gấp 5 lần tốc độ âm thanh, chúng có nguy cơ trở thành vũ khí chết chóc với các nhóm tác chiến tàu sân bay.
Các "ông lớn" quân sự trên thế giới đang tăng tốc cuộc đua vũ khí siêu vượt âm vì họ hiểu được ưu thế và uy lực của vũ khí này trong tác chiến tương lai.
Chúng kết hợp những khía cạnh nguy hiểm nhất của cả tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, mà một số tên lửa hiện nay còn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, khiến chúng trở nên rất nguy hiểm trên chiến trường.
Phương tiện không người lái dưới nước (UUV)
Từ trước tới nay, tàu ngầm luôn là vũ khí có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nhất với các tàu sân bay. Khó khăn lớn nhất với tàu ngầm là định vị tàu sân bay, đưa vũ khí vào vị trí ngắm bắn trước khi hàng không mẫu hạm và các tàu hộ tống thuộc nhóm tác chiến có thể định vị và đáp trả.
Với công nghệ hiện đại ngày nay, các tàu ngầm không người lái UUV giải quyết được nhiều vấn đề. Chúng có thể chờ đợi vô thời hạn dọc theo tuyến đường đi của tàu sân bay và tấn công khi phát hiện mục tiêu. Vì là phương tiện không người lái, chúng giảm thiểu tối đa thiệt hại về nhân mạng.
Theo các chuyên gia, UUC trong tương lai có thể khiến cho các nhóm tàu sân bay "đau đầu" tìm cách ứng phó.
Tấn công mạng
Tàu sân bay bao gồm hệ thống điều khiển phức tạp, của chính con tàu tới các tàu thuộc nhóm hộ tống. Tại một số tàu hiện đại, nó còn có hệ thống vũ khí, cảm biến đi kèm.
Tuy các mối liên kết kỹ thuật số này được bảo vệ khá tốt, khó bị phá vỡ, nhưng vẫn xảy ra kịch bản đối thủ lợi dụng kẽ hở để xâm nhập.
Thiệt hại từ tấn công mạng rất đa dạng, ở mức tối thiểu, chúng có thể làm "mù" tàu sân bay, khiến tàu và máy bay khó thực hiện nhiệm vụ hơn. Nó cũng có thể tiết lộ vị trí của tàu sân bay, khiến con tàu dễ trở thành mục tiêu tấn công của vũ khí khác.
Nghiêm trọng nhất, một vụ tấn công mạng có thể làm tê liệt hệ thống chủ chốt, khiến con tàu không thể tự bảo vệ trước các mối đe dọa.
Phương tiện bay không người lái (UAV)
UAV tấn công kiểu "bầy đàn" được xem là mối đe dọa nghiêm trọng trên chiến trường (Ảnh: UK Defence).
Tương tự UUV, UAV đang được xem là vũ khí của tác chiến tương lai khi không có người lái và hoạt động điều khiển tác chiến sẽ diễn ra từ xa. UAV hiện giờ cũng có thể mang vũ khí uy lực không kém gì với các tiêm kích có người lái.
Tuy nhiên, kịch bản nguy hiểm nhất hiện tại là UAV bầy đàn, tức là khả năng điều động số lượng UAV ồ ạt, số lượng lớn lao vào mục tiêu, làm rối loạn các hệ thống phòng không bảo vệ tàu sân bay.
UAV tự sát là mối đe dọa mới mà nhiều nền quân đội đang tìm cách để áp chế một cách hiệu quả, vì đôi khi một "bầy" vũ khí giá rẻ, áp đảo về số lượng có thể gây hậu quả tàn phá nặng nề với những vũ khí hiện đại nhất.
Hệ thống đánh bom từ quỹ đạo
Tàu sân bay giống như một căn cứ di động khổng lồ của một nền quân đội. Ưu điểm của chúng là tính cơ động cao, khi đưa vũ khí đạn dược tới các khu vực "điểm nóng".
Nhưng chính kích thước khổng lồ của tàu sân bay lại khiến chúng trở nên dễ tổn thương vì chúng dễ bị phát hiện. Câu hỏi đặt ra là đối thủ có thể tận dụng đặc điểm này như thế nào với công nghệ hiện đại.
Hệ thống đánh bom từ quỹ đạo có thể giải quyết vấn đề này. Chúng có thể xác định chính xác vị trí tàu sân bay từ trên cao và giáng đòn xuống. Loại bom này chỉ sử dụng động năng, nhưng từ khoảng cách xa chúng có thể giáng đòn rất mạnh lên mục tiêu, gây ra nguy cơ vô hiệu và đánh chìm tàu sân bay.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/5-vu-khi-de-doa-the-thong-tri-dai-duong-cua-cac-tau-san-bay-20211216120942851.htm