Dù chưa rõ mối đe dọa thực sự từ biến chủng Omicron nhưng nỗi sợ hãi về "bóng ma đại dịch" và việc chính phủ các nước nhanh chóng áp đặt các hạn chế trở lại đã làm người dân khắp thế giới lo lắng.
Bức vẽ biếm họa của nhật báo Pháp Le Monde (Ảnh: Le Monde).
Một bức ảnh biếm họa gần đây trên nhật báo Le Monde của Pháp miêu tả hình ảnh về một người đàn ông ốm yếu đến tiêm vaccine Covid-19. "Tôi đến đây để tiêm mũi 5 vì làn sóng thứ ba, hoặc ngược lại", người đàn ông trong bức biếm họa nói.
Sự hoang mang của nhân vật trên khi Pháp hứng chịu đợt đại dịch lần thứ 5 với các ca nhiễm chủng Delta tăng mạnh, cùng mối lo ngại về siêu biến chủng Omicron, đang làm bùng lên sự tâm lý chán chường và giận dữ âm ỉ tại nhiều nơi trên thế giới, sau khi đại dịch chết người bùng phát tại Trung Quốc 2 năm trước.
Sức khỏe lẫn tinh thần giảm sút
Đại dịch Covid-19 được dự báo chưa thể chấm dứt nhanh chóng (Ảnh: USA Today).
Một hệ thống y tế không chắc chắn khiến mối lo sợ Covid-19 càng tăng lên, thể hiện rõ đến nỗi ngay cả khi chưa ai thực sự hiểu rõ biến chủng Omicron nguy hiểm hay không, một số nước đã nhanh chóng "quay đầu" trong chiến lược mở cửa.
Vaccine, dù là một câu chuyện thành công, nhưng cho đến nay thật sự chưa thành công như kỳ vọng là giúp chấm dứt đại dịch, do sự do dự của người dân và tin giả về vaccine lan tràn. Các quốc gia phản ứng chống dịch theo những cách khác nhau mà không có logic rõ ràng nào. Nỗi lo lắng, cô đơn và chán nản lan rộng. Có cảm giác rằng, đại dịch Covid sẽ còn kéo dài, như những bệnh dịch cũ.
Ngay cả ở Trung Quốc, nơi không ghi nhận ca tử vong nào do Covid-19 kể từ tháng 1, một số người thừa nhận luôn cảm thấy mệt mỏi vì các biện pháp chống dịch của chính phủ dù chúng giúp họ an toàn hơn. "Tôi quá mệt mỏi với tất cả những công việc này", Chen Jun, 29 tuổi, một công nhân công ty công nghệ ở thành phố Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc, cho biết. Hồi tháng 6, anh phải thường xuyên xét nghiệm Covid-19 sau khi một ổ dịch bùng phát trong thành phố, và sau đó phải cách ly 14 ngày. Những ghi chú mà anh luôn ghim trên tấm bản đồ thế giới để theo dõi các chuyến đi của mình đã dừng hẳn. "Tôi bắt đầu nghĩ đại dịch không bao giờ kết thúc", Jun hoài nghi.
Theo NYT, cảm giác vô tận đó, cùng với mối lo ngày càng tăng do đại dịch, dẫn đến trầm cảm, là chủ đề lặp đi lặp lại trong hàng chục cuộc phỏng vấn mà hãng tin này thực hiện ở châu Á, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ gần đây.
Và rõ ràng, sau 2 năm áp dụng chính sách chống dịch nghiêm ngặt chưa từng có, khả năng phục hồi của con người đã giảm dần.
Những thách thức của giới lãnh đạo
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi lối sống, suy nghĩ của con người (Ảnh: Getty).
Điều đó chắc chắn sẽ đặt ra những thách thức mới cho các nhà lãnh đạo trên thế giới đang cố bảo vệ người dân và nền kinh tế. Liệu người dân, vốn đã quá mệt mỏi với Covid-19, có tuân theo những lệnh hạn chế mới, có nguy cơ buộc họ, gia đình và bạn bè tiếp tục giãn cách?
Câu hỏi về chiến lược chống dịch như thế nào khi sức khỏe lẫn tinh thần của mọi người trở nên kiệt quệ, đang đẩy các nhà lãnh đạo vào một tình thế khó xử khi đại dịch bước sang năm thứ ba. Natalia Shishkova, một giáo viên ở Moscow nói: "Tôi cho rằng mọi việc sẽ trở nên tồi tệ hơn, đại dịch sẽ không dừng lại, và sẽ khiến cuộc sống trở nên nghiêm trọng hơn".
Đã có những tiến bộ thực sự trong cuộc chiến chống dịch. Một năm trước, chiến dịch tiêm vaccine đang ở giai đoạn sơ khai. Cho đến nay, khoảng 47% dân số thế giới đã tiêm vaccine. Dù số ca nhiễm vẫn cao, tỷ lệ tử vong đã giảm xuống. Tuy nhiên, vấn đề là cuộc sống dường như vẫn bị mất kiểm soát.
Đại dịch không chỉ thay đổi lối sống, suy nghĩ của con người mà đôi khi còn làm bùng lên những tin giả đáng sợ. Và rất nhiều câu hỏi được đặt ra mà chưa thể có lời giải. Làm thế nào để có thể đánh giá mức độ để quyết định cảnh báo, đóng cửa hay mở cửa trở lại? Làm gì trước tình trạng bất bình đẳng rõ rệt trong phân phối vaccine? Làm thế nào để tránh khỏi nỗi ám ảnh từ những khẩu trang bỏ đi bị vứt vương vãi trên các con phố?...
Cuộc sống hiện tại như một vòng xoáy. Trường học mở cửa rồi lại đóng cửa. Việc đi lại có dễ dàng hơn, chỉ có những trở ngại mới phát sinh. Ca nhiễm nặng giảm dần và thay thế bằng tình trạng Covid-19 kéo dài và bây giờ là dấu hiệu cho thấy ngay cả những người đã khỏi bệnh vẫn có thể bị tái nhiễm với Omicron.
Tại phòng thí nghiệm ở Paris của bà Maria Melchior, một nhà dịch tễ học người Pháp chuyên về bệnh tâm thần, các cuộc họp trực tiếp vừa được khôi phục trong tuần này nay đã phải tạm dừng. Họ lại quay trở lại với các cuộc họp mặt qua Zoom. Bà Melchior nói: "Chúng tôi không còn biết khi nào sẽ trở lại bình thường và bây giờ bình thường là như thế nào? Ít nhất là một cuộc sống không có khẩu trang".
Tại Kenya, với số ca nhiễm giảm dần vào tháng 10, Tổng thống Uhuru Kenyatta đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm. Các buổi hòa nhạc trở lại như ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng rồi Omicron xuất hiện. Ngay cả trước khi chưa ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, các nhà lãnh đạo của Kenya đã công bố kế hoạch "cấm cửa" những người chưa tiêm vaccine và cảnh báo về những hạn chế mới trong mùa lễ hội.
Corrie Mwende, một chuyên gia truyền thông ở Nairobi, cho biết cô đã cảm thấy như "ngày tận thế" sắp đến vậy. Và cô không chắc sẽ hưởng thụ cuộc sống mở cửa trong bao lâu.
Hệ quả của những do dự ban đầu, thiếu gắn kết toàn cầu
Sự do dự như vậy không phải là mới. Một số nước đã xem nhẹ đại dịch khi nó mới nổ ra. Niềm tin đã bị sứt mẻ, con người đã bị chậm chân. Do đó, khó có thể tìm kiếm được một phản ứng gắn kết toàn cầu.
Trung Quốc là quốc gia cuối cùng vẫn kiên quyết theo đuổi chính sách "Zero Covid", hầu như đóng cửa biên giới và triển khai xét nghiệm hàng loạt, phong tỏa nhanh và truy vết thần tố. Ở một khía cạnh khác, Nga, mặc dù có tỷ lệ tử vong cao, nhưng hầu như không hạn chế di chuyển.
Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 quốc gia đang chia rẽ về việc có bắt buộc phải tiêm vaccine hay không, và chính nội bộ liên minh này cũng thực hiện các chính sách rất khác nhau: các sân vận động bóng đá lại vắng bóng người ở Đức, nơi tỷ lệ lây nhiễm tăng cao, nhưng vẫn đông đúc ở Pháp, nơi tỷ lệ lây nhiễm cũng tăng cao do nước này phải vận động cho một cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 4/2022.
Nước Anh, dưới thời Thủ tướng Boris Johnson, đã loay hoay giữa những khả năng miễn dịch cộng đồng hay quay lại những hạn chế chống dịch để ngăn biến chủng Omicron.
Tại Brazil, nơi Tổng thống Jair Bolsonaro vẫn luôn giảm nhẹ mối đe dọa của đại dịch, số người chết đã giảm xuống dưới 300/ngày từ con số kinh hoàng 3.000 người vào tháng 4. Các buổi lễ hội âm nhạc Samba đã trở lại trên đường phố. Nước này cũng có kế hoạch bắn pháo hoa tại bãi biển Copacabana để đánh dấu năm mới 2022 nếu không xảy ra làn sóng dịch mới nghiêm trọng.
Làn sóng dịch mới có thể sẽ là Omicron, có thể không. Trước Omicron, một số biến chủng khác đã xuất hiện và đã hoàn toàn biến mất. Hiện tại, mọi dự đoán đều là tạm thời.
Có nhiều thuyết âm mưu, một phần vì đại dịch giúp người giàu càng giàu thêm trong khi người nghèo càng nghèo hơn.
Yakov Kochetkov, người đứng đầu Trung tâm Trị liệu Nhận thức ở Moscow cho biết, "ở Nga đã bùng lên tình trạng không tin tưởng vào vaccine, thậm chí có cả thuật ngữ "đại dịch toàn cầu". Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý người dân". Trong tháng này, một người đàn ông 45 tuổi đã nổ súng vào một văn phòng chính phủ Nga và giết chết 2 người sau khi bị nhắc đeo khẩu trang. Anna Shepel, một nhà trị liệu người Nga, cho hay mọi người có "những suy nghĩ ám ảnh, những hành động ám ảnh, sợ bị lây nhiễm, sợ chạm vào bất cứ thứ gì ở nơi công cộng".
Tại Italia, một trong những tâm dịch đầu tiên ở châu Âu, việc tiếp cận mọi thứ từ rạp chiếu phim cho đến làm việc tại văn phòng đã bị hạn chế nghiêm ngặt đối với bất kỳ ai không có "thẻ xanh" vaccine. Chính phủ đang hứa hẹn một lễ Giáng sinh "nửa bình thường" và không cần phải áp dụng các biện pháp phong tỏa. Tuy vậy, một không khí ảm đạm vẫn phủ bóng khắp cả nước.
Massimiliano Valerii, Tổng giám đốc của CENSIS, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Rome, nhận xét rằng đại dịch khiến mọi người ngày càng lo lắng hơn cho tương lai. David Lazzari, Chủ tịch hiệp hội các nhà tâm lý học của Italia, cho hay các nghiên cứu gần đây ở nước này cho thấy, tỷ lệ lo âu và trầm cảm đã tăng gấp đôi kể từ khi đại dịch bắt đầu. Đối với những người dưới 18 tuổi, con số này là 25%. "Đó là tỷ lệ rất cao", ông cảnh báo.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/the-gioi-met-moi-lo-au-vi-con-ac-mong-covid19-keo-dai-20211215130954112.htm