Chùm ảnh của Reuters cho thấy thế giới tiếp tục trải qua một năm đầy biến động vì đại dịch Covid-19, xung đột quân sự cũng như các thảm họa tự nhiên.
Thế giới năm 2021 tiếp tục đối mặt với đại dịch Covid-19 với sự xuất hiện của những biến chủng nguy hiểm như Delta, hay đáng lo ngại như Omicron. Hàng trăm triệu người mắc bệnh, hàng triệu người tử vong, các nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến cho bức tranh thế giới năm nay trở nên ảm đạm.
Sự tàn khốc của đại dịch hiện hữu tại nhiều nơi trên thế giới. Trong ảnh là cảnh mọi người chờ đợi hỏa thiêu nạn nhân Covid-19 ở New Delhi, Ấn Độ.
Sự biến hóa khó lường của Covid-19 đã khiến nhiều quốc gia rơi vào cảnh ngặt nghèo khi số ca bệnh và người chết tăng vọt, trong khi bệnh viện quá tải.
Một điểm sáng trong năm nay là sau khi vaccine Covid-19 được phát minh với tốc độ kỷ lục, nhiều nước đã đẩy nhanh chương trình tiêm chủng, mang lại niềm hy vọng rằng đại dịch có thể sớm khép lại. Tuy nhiên, thế giới cũng đang đối mặt với tình trạng bất bình đẳng vaccine và điều đó có thể khiến cho dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.
Trong khi nhiều nước đã chuyển sang thích ứng với đại dịch, Trung Quốc vẫn kiên quyết theo đuổi chiến lược Zero Covid (Không Covid-19).
Năm nay thế giới cũng chứng kiến những biến động về mặt chính trị. Sau những lùm xùm và kiện cáo về kết quả bầu cử kéo dài từ cuối năm ngoái, Mỹ cũng đã có tổng thống mới là ông Joe Biden.
Trước khi ông Biden nhậm chức, nước Mỹ rung chuyển vì vụ bạo loạn nhà quốc hội hồi tháng Một, khi nhóm người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump xông vào cơ quan lập pháp gây ra cảnh tượng hỗn loạn nghiêm trọng.
Vào tháng Một, bà Kamala Harris đã làm nên lịch sử khi trở thành nữ Phó tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ. Hồi tháng 11, bà cũng trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Mỹ nắm quyền tổng thống khi ông Biden cần gây mê để làm nội soi và bà được tạm chuyển giao quyền lực.
Quốc gia Đông Nam Á Myanmar rơi vào vòng xoáy hỗn loạn sau vụ quân đội lật đổ chính phủ dân sự vào đầu tháng 2. Phong trào biểu tình bùng phát, kéo theo sự thành lập của lực lượng phòng vệ nhân dân, nguy cơ đẩy Myanmar rơi vào một cuộc nội chiến mới. Diễn biến này làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia này.
Taliban hồi tháng 8 đã giành lại quyền kiểm soát Afghanistan sau 20 năm bị phương Tây lật đổ.
Cuộc không vận quy mô lớn của Mỹ và phương Tây khỏi Afghanistan sau khi rút quân khỏi quốc gia Trung Nam Á đã đánh dấu việc Mỹ dừng cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử nước này, đồng thời cho thấy Trung Đông vẫn là một điểm nóng của thế giới về xung đột.
Chiến sự ở Dải Gaza giữa Israel và lực lượng vũ trang của người Palestine Hamas nóng lên hồi tháng 5. Hàng nghìn quả rocket, đạn cối, tên lửa đã bị 2 bên nã vào nhau. Hàng trăm dân thường thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương.
Cuộc giao tranh dữ dội giữa Israel và Hamas sau đó đã khép lại với một hiệp định ngừng bắn.
Năm nay, nhiều nước trên thế giới cũng đối mặt với các thảm họa tự nhiên, như động đất, núi lửa, siêu bão, lũ lụt. Điều này làm dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về hiểm họa của biến đổi khí hậu và trái đất nóng lên và cho thấy con người cần phải hành động nhanh chóng. Trong ảnh: Lực lượng cứu hỏa nâng một bé trai 3 tuổi từ một đống đổ nát ở Haiti vì trận động đất 7,2 độ richter kinh hoàng hồi tháng 8 làm gần 1.300 người chết.
Theophilus Charles, 70 tuổi, ngồi gục đầu trong căn nhà đã bị siêu bão Ida phá hủy nặng nề tại Houma, Louisiana, Mỹ hồi tháng 8.
Trận lũ lụt tồi tệ ở Đức và một phần châu Âu hồi tháng 7 gây hậu quả nặng nề.
Dung nham phun trào từ núi lửa La Palma, El Paso, Tây Ban Nha hồi tháng 9.
Năm nay đánh dấu các cuộc khủng hoảng nhập cư nóng lên trên thế giới. Trong ảnh: Một thiếu niên Morocco khóc khi bơi sang biên giới Tây Ban Nha bằng phao ghép từ chai nhựa. Hàng nghìn người đã băng qua khu vực này để tìm đường vào châu Âu.
Người di cư tập trung ở khu vực biên giới Belarus - Ba Lan hồi tháng 11. Cuộc khủng hoảng nhập cư ở khu vực này đã nóng lên trong suốt thời gian qua sau khi quan hệ giữa Belarus và phương Tây xấu đi rõ rệt.
Hiện tượng "siêu trăng hồng" ghi lại ở tháp Eiffel, Paris, Pháp.
Bộ lạc Yawalapiti ở Brazil tham gia nghi lễ truyền thống.
Đội cổ vũ Japan Pom Pom tại Nhật Bản gồm toàn các quý bà lớn tuổi thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới.
Theo Đức Hoàng/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/dai-dich-chinh-bien-thien-tai-phu-bong-the-gioi-nam-2021-20211206170832182.htm