Giá thực phẩm toàn cầu tiếp tục leo thang trong tháng 11 vừa qua giữa lúc nhu cầu tăng mạnh song nguồn cung lại bị thắt chặt, theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc (FAO).
Chỉ số giá thực phẩm tháng 11 của FAO đã tăng 1,6 điểm % so với tháng trước, lên mốc 134,4, cao nhất trong một thập kỷ qua và đã tăng 4 tháng liên tiếp. Đây là chỉ số dùng để đo giá cả toàn cầu hằng tháng đối với các mặt hàng ngũ cốc, sữa bột, thịt, dầu thực vật và đường.
Người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 nhận rau củ miễn phí tại Chelsea, bang Massachusetts - Mỹ hôm 30-11. Ảnh: REUTERS
Theo FAO, giá ngũ cốc và sữa bột tăng mạnh nhất, tiếp theo là giá đường, còn giá thịt và dầu thực vật giảm nhẹ so với tháng 10. Sở dĩ giá thịt giảm 4 tháng liên tiếp (nhưng vẫn cao hơn mức giá cùng kỳ năm ngoái 17,6%), theo kênh Al Jazeera, là do các nơi - nhất là Liên minh châu Âu - giảm mua thịt heo Trung Quốc.
Trong khi đó, giá bột mì đã tăng 5 tháng liền và hiện đứng ở mức cao nhất kể từ tháng 5-2021 do mưa trái mùa ở Úc cản trở thu hoạch và những thay đổi tiềm tàng trong chính sách xuất khẩu ở Nga.
Giá các sản phẩm thiết yếu như thực phẩm và năng lượng đã tăng nhanh trong năm nay, chủ yếu do chuỗi cung ứng đứt gãy và thiếu hụt nguồn cung. Giá thực phẩm tăng cao đè nặng lên các gia đình thu nhập thấp bởi phần lớn thu nhập của họ dùng để mua bánh mì, thịt, sữa, gạo...
Tình hình nghiêm trọng đẩy các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới vào cảnh tiến thoái lưỡng nan: Tăng lãi suất giúp làm giảm lạm phát nhưng mặt khác có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình phục hồi kinh tế mong manh.
Theo Hải Ngọc/NLĐ
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/gia-thuc-pham-toan-cau-tang-vot-20211203220222264.htm