Một thỏa thuận được Đảng Dân chủ xã hội (SPD), Đảng Xanh, Đảng Dân chủ Tự do (FDP) công bố hôm 24-11 không chỉ xác nhận Đức sẽ có một chính phủ và thủ tướng mới, mà còn có cả một chính sách mới, cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.
Theo thỏa thuận dài 177 trang, ông Olaf Scholz, thành viên SPD và hiện là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính, sẽ kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel.
Chính phủ mới được kỳ vọng sẽ tuyên thệ nhậm chức vào đầu tháng tới một khi thỏa thuận được 3 đảng trên thông qua, qua đó đánh dấu nền kinh tế lớn nhất châu Âu có lãnh đạo mới đầu tiên trong 16 năm.
Ngay khi lên nắm quyền, ông Scholz sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức, như dịch Covid-19 bùng phát trở lại, quan hệ với Trung Quốc, căng thẳng tại biên giới Ba Lan - Belarus, tình hình Ukraine… Trong số này, chính sách Trung Quốc của chính phủ ông Scholz chắc chắn sẽ bị "soi" gắt gao.
Bà Annalena Baerbock, đồng lãnh đạo Đảng Xanh, dự kiến trở thành bộ trưởng ngoại giao trong nội các mới trong lúc đồng lãnh đạo Robert Habeck là ứng viên sáng giá cho vị trí phó thủ tướng.
Đảng này hiện cam kết theo đuổi chính sách đối ngoại "dựa trên giá trị", có lập trường cứng rắn hơn đối với những quốc gia bị xem là mối đe dọa đối với an ninh của Đức và Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Trung Quốc.
Ông Olaf Scholz (thứ hai từ trái qua) và các lãnh đạo Đảng Xanh, Đảng Dân chủ Tự do tại cuộc họp báo ở thủ đô Berlin - Đức hôm 24-11 Ảnh: Reuters
Trong khi đó, lãnh đạo FDP Christian Lindner đang chỉ trích mạnh mẽ chính sách lâu nay của nước mình đối với Bắc Kinh và quan điểm này sẽ có thêm sức nặng nếu ông chính thức trở thành bộ trưởng tài chính tiếp theo.
Lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc được thể hiện rõ trong thỏa thuận lập chính phủ liên hiệp nói trên. Đáng chú ý, văn kiện này gọi Bắc Kinh là "đối thủ hệ thống", đồng thời kêu gọi một "chiến lược Trung Quốc" toàn diện ở Đức trong khuôn khổ chính sách chung của Liên minh châu Âu (EU) đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Ngoài ra, văn kiện kêu gọi chính sách đối ngoại của Trung Quốc "đóng vai trò trách nhiệm" đối với hòa bình và ổn định ở khu vực láng giềng, đồng thời nhấn mạnh Đức cam kết bảo đảm vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và biển Hoa Đông được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Ông Noah Barkin, chuyên gia của Viện nghiên cứu Rhodium Group (Mỹ) nhận định với tờ South China Morning Post (Hồng Kông) rằng diễn biến trên phản ánh nỗi lo ngày càng tăng ở Đức về hướng đi của Trung Quốc lúc này.
Việc thỏa thuận nhắc đến những vấn đề được Bắc Kinh xem là "lằn ranh đỏ", như Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy chính phủ Đức sắp tới sẵn sàng trao đổi công khai hơn với Trung Quốc về những khác biệt.
Dù vậy, một số chính khách Đức cảnh báo rằng không nên kỳ vọng chính sách Trung Quốc thời ông Scholz sẽ có những thay đổi đột ngột và mạnh mẽ. Một số ý kiến khác cho rằng sự thay đổi sẽ diễn ra từ từ, thay vì một cuộc cải tổ lớn.
Ông Thorsten Benner, nhà đồng sáng lập Học viện Chính sách công toàn cầu (Đức), đánh giá ông Scholz có thể duy trì lập trường không đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh nhưng sẽ cam kết đầu tư mạnh mẽ vào năng lực đổi mới sáng tạo và cạnh tranh của cả Đức và châu Âu.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/chinh-phu-duc-moi-se-cung-ran-hon-voi-trung-quoc-20211125212901276.htm