Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiến hành cuộc họp đặc biệt để thảo luận về biến chủng Covid-19 mới đang có nguy cơ lan rộng.
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO (Ảnh: Xinhua).
Theo các quan chức WHO, biến chủng mới, được gọi là B.1.1.529, đã được phát hiện ở Nam Phi với một số ca nhiễm.
"Chúng tôi chưa biết nhiều thông tin về biến chủng này. Những gì chúng tôi biết là biến chủng này có số lượng đột biến lớn. Điều đáng lo ngại là khi có quá nhiều đột biến, chúng có thể có tác động đến cách thức hoạt động của virus", tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO, cho biết trong cuộc họp hôm 25/11.
WHO vẫn đang theo dõi biến chủng mới và tổ chức một cuộc họp đặc biệt vào ngày 26/11 để thảo luận về vấn đề này.
Tiến sĩ Van Kerkhove cho biết, nhóm làm việc của WHO về quá trình đột biến của virus sẽ xem xét để quyết định liệu B.1.1.529 được xếp vào nhóm biến chủng đáng quan tâm hay đáng lo ngại, sau đó WHO sẽ đặt cho biến chủng này tên Hy Lạp.
Việc theo dõi biến chủng mới được tiến hành khi các ca mắc Covid-19 trên khắp thế giới đang tăng lên trước kỳ nghỉ lễ. Trong khi đó, WHO báo cáo các điểm nóng Covid-19 ở tất cả các khu vực, đặc biệt là châu Âu.
Anh tuyên bố sẽ cấm các chuyến bay từ 6 quốc gia châu Phi, bao gồm Nam Phi, bắt đầu từ trưa ngày 26/11. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết Cơ quan An ninh Y tế nước này "đang điều tra một biến chủng mới".
"Hiện vẫn cần thêm dữ liệu, nhưng chúng tôi đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay từ bây giờ", Bộ trưởng Javid cho biết thêm.
Theo các nhà khoa học, biến chủng B.1.1.529 được phát hiện lần đầu ở Botswana có tới 32 đột biến ở protein gai. Các đột biến ở protein gai có thể làm thay đổi khả năng của virus truyền bệnh cho các tế bào cơ thể người và lây lan, hoặc cũng có thể làm cho các tế bào miễn dịch khó tấn công lại mầm bệnh.
Với 32 đột biến, B.1.1.529 được phát hiện là biến chủng nhiều đột biến nhất từ trước đến nay của virus SARS-CoV-2.
Sau 3 bệnh nhân ở Botswana, 6 ca nhiễm biến chủng mới đã được phát hiện ở Nam Phi và một trường hợp được ghi nhận ở Hong Kong. Bệnh nhân ở Hong Kong gần đây đã đi từ Nam Phi, khiến các nhà khoa học cảnh giác cao độ, vì lo ngại biến chủng mới có thể lây lan đến bất cứ đâu thông qua các chuyến đi quốc tế. Bệnh nhân Hong Kong được cho là đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19.
Thông tin về biến chủng B.1.1.529, dự kiến được gọi là "Nu", do tiến sĩ Tom Peacock, một nhà virus học tại Khoa Bệnh truyền nhiễm của Đại học Hoàng gia London, chia sẻ. Ông Peacock cảnh báo lượng đột biến rất cao của biến chủng mới cho thấy điều này có thể thực sự "đáng lo ngại", đồng thời nhấn mạnh việc cần phải theo dõi sát biến chủng B.1.1.529 vì số lượng đột biến "khủng khiếp".
Giáo sư Ravi Gupta tại Đại học Cambridge cho biết, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của ông đã phát hiện 2 đột biến ở B.1.1.529 có thể làm tăng khả năng lây nhiễm của virus và giảm khả năng nhận biết kháng thể.
Cho đến nay, virus SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi, tạo ra các biến chủng, trong đó có các biến chủng được xếp vào nhóm "đáng lo ngại" do khả năng lây lan mạnh hơn, dễ tránh miễn dịch hơn hoặc có độc lực cao hơn. Biến chủng gây lo ngại nhất hiện nay là Delta - nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng vọt trên toàn cầu trong những tháng qua.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/who-hop-khan-ve-bien-chung-sarscov2-nhieu-dot-bien-chua-tung-co-20211126065755583.htm