Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết vaccine Covid-19 làm giảm khả năng lây nhiễm của biến chủng Delta, nhưng người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp an toàn dù đã tiêm vaccine.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: Reuters).
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 24/11 cho biết nhiều người đã sai lầm khi nghĩ rằng không cần thực hiện bất kỳ biện pháp phòng ngừa nào khác sau khi đã tiêm vaccine Covid-19.
Ông Tedros nhấn mạnh, những người đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn phải tuân thủ các biện pháp chống dịch. Theo quan chức WHO, biến chủng Delta dễ lây lan hơn cũng đồng nghĩa với việc hiệu quả của vaccine có thể giảm sút.
"Chúng tôi lo ngại về cảm giác an toàn giả, cho rằng vaccine đã kết thúc đại dịch và những người được tiêm chủng không cần thực hiện bất kỳ biện pháp phòng ngừa nào khác", ông Tedros nói với các phóng viên.
"Vaccine cứu được nhiều mạng người, nhưng không hoàn toàn ngăn chặn được dịch lây lan. Dữ liệu cho thấy trước khi xuất hiện biến chủng Delta, vaccine đã giảm khả năng lây nhiễm khoảng 60%. Với Delta, con số này đã giảm xuống còn khoảng 40%", ông Tedros cho biết thêm.
Theo tổng giám đốc WHO, những người đã tiêm vaccine có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong thấp hơn nhiều, nhưng vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh và lây nhiễm cho những người khác.
"Ngay cả khi bạn đã được tiêm phòng, hãy tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bản thân không bị nhiễm bệnh và lây nhiễm cho người khác", ông Tedros cho biết thêm.
Ông Tedros nói rằng điều đó có nghĩa là phải đeo khẩu trang, duy trì giãn cách, tránh tụ tập đông người.
WHO từ lâu đã nhấn mạnh rằng vaccine Covid-19 hiện chủ yếu có mục đích giảm nguy cơ bệnh nặng, nhập viện và tử vong, thay vì giảm lây nhiễm.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/who-cong-bo-hieu-qua-cua-vaccine-voi-bien-chung-delta-20211125084430404.htm