Châu Phi hiện có số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 thấp hơn nhiều so với châu Âu nhưng giới chuyên gia lo ngại tình hình có thể thay đổi nếu không tăng tốc phủ sóng vắc-xin.
Giới chuyên gia cảnh báo châu Phi có thể đối mặt với nhiều làn sóng lây nhiễm mới, bởi đến giờ chỉ có khoảng 7% trên tổng số 1,3 tỉ dân của châu lục này được tiêm phòng đầy đủ.
Phần lớn các nước châu Phi phụ thuộc vào nguồn cung vắc-xin từ nước ngoài và trong bối cảnh tình hình Covid-19 đang diễn biến xấu tại châu Âu, nguồn vắc-xin san sẻ cho châu Phi nhiều khả năng bị ảnh hưởng.
Theo đài Deutsche Welle (Đức), quốc gia của họ đã quyết định giữ lại những mũi vắc-xin mà trước đây dự định chuyển cho các quốc gia thu nhập thấp.
"Chúng tôi phải hoãn một phần kế hoạch đóng góp cho COVAX (Cơ chế tiếp cận vắc-xin Covid-19 toàn cầu), đóng góp BioNTech quốc tế, từ tháng 12 năm nay đến tháng 1 và tháng 2 năm sau để đảm bảo Đức có đủ vắc-xin" – Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn tuyên bố vào tuần rồi.
Virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 nhiều khả năng đột biến nếu các nước không đạt được miễn dịch cộng đồng. Ảnh: DW
Tuyên bố trên được đưa ra vài ngày sau khi Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ trích một số quốc gia dự trữ vắc-xin Covid-19.
Tổ chức phi lợi nhuận ONE Campaign (trụ sở Washington) đã kêu gọi chính phủ Đức đảo ngược quyết định nêu trên để tiếp tục san sẻ vắc-xin cho COVAX.
"Nếu chúng ta không hành động nhanh để đảm bảo người dân trên toàn thế giới được tiêm chủng, đại dịch sẽ còn kéo dài" – Giám đốc ONE Campaign ở Đức Stephan Exo-Kreischer nhấn mạnh, trước khi mô tả quyết định của Bộ trưởng Spahn là "một sai lầm nghiêm trọng".
"Lượng người được tiêm liều 3 ở các nước giàu hiện đã cao hơn so với lượng người được tiêm liều đầu tiên ở các nước nghèo. Đây là hệ quả của các quyết định chính trị tồi tệ" – ông Exo-Kreischer nói thêm.
Châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch của thế giới. Ảnh: AP
Châu Phi đang chứng kiến xu hướng giảm trong số ca nhiễm hằng ngày, bất chấp tỉ lệ tiêm chủng thấp. Tuy nhiên, ông Exo-Kreischer khẳng định WHO ước tính số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn gấp 7 lần.
"Châu Phi có tỉ lệ lây nhiễm thấp do xét nghiệm và báo cáo rất ít" – chuyên gia Wolfgang Preiser của Trường ĐH Stellenbosch (Nam Phi) nói.
Gần 8,6 triệu ca nhiễm và hơn 221.000 ca tử vong
Tính đến chiều 22-11, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, châu lục này đã ghi nhận gần 8,6 triệu ca nhiễm và 221.721 ca tử vong.
Nam Phi, Morocco, Tunisia và Ethiopia là những quốc có số ca nhiễm và tử vong cao nhất trong khu vực.
Hơn 135 triệu mũi vắc-xin đã được triển khai trên khắp châu Phi. Ảnh: UNICEF
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/covid-19-chau-phi-nhan-canh-bao-dang-so-20211123091056518.htm