Trong khi nhiều nước có số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh, Nhật Bản đang diễn ra hiện tượng bất thường khi biến thể Delta dường như đang chuyển sang chế độ “tự hủy”.
Sau thời gian số ca Covid-19 mới tăng vọt và đạt đỉnh điểm gần 26.000 ca mới/ngày vào ngày 20.8, Nhật Bản đột ngột chuyển mình và trở thành câu chuyện chống dịch vô cùng thành công, gây ngạc nhiên trong cộng đồng khoa học gia.
Thói quen đeo khẩu trang ở Nhật Bản giúp hạn chế lây lan bệnh dịch
Báo cáo gây ngạc nhiên
Ngày 20.11, Bộ Y tế nước này ghi nhận 104 ca Covid-19 mới trong vòng 24 giờ, chưa bằng 1% số ca mới so với lúc đỉnh điểm tháng 8. Đến ngày 7.11, nước này không xuất hiện ca tử vong vì Covid-19 trên toàn quốc, lần đầu tiên trong vòng 15 tháng, theo Hãng tin Kyodo News. Trước đó, số trường hợp mới duy trì dưới 5.000 ca/ngày vào giữa tháng 9 và dưới 200 ca/ngày vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, không giống như những nơi khác ở châu Âu và châu Á, Nhật Bản chưa bao giờ tiến gần đến việc phải áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc.
Nhiều học giả đưa ra các giả thuyết nhằm giải thích hiện tượng trên, trong đó nguyên nhân hàng đầu chính là tỷ lệ tiêm vắc xin cao của Nhật Bản. Tính đến ngày 18.11, nước này tiêm chủng đủ 2 mũi cho 75,7% dân số. Các yếu tố khác bao gồm thực hiện giãn cách và mang khẩu trang vốn ăn sâu vào đời sống của người Nhật. Tuy nhiên, báo cáo mới cho rằng nguyên nhân chính có thể liên quan những chuyển biến trong gien di truyền của vi rút Corona chủng mới (SARS-COV-2) trong quá trình sinh sản.
Báo The Japan Times dẫn giả thuyết của ông Ituro Inoue, Giáo sư Viện Di truyền quốc gia (Nhật Bản), cho thấy biến thể Delta ở nước này đã tích tụ quá nhiều đột biến ở protein nsp14. Đây là protein đóng vai trò sửa lỗi di truyền của vi rút trong quá trình sao chép. Kết quả là theo thời gian, vi rút lâm vào tình trạng chật vật vì phải vá quá nhiều lỗi, cuối cùng dẫn đến tình trạng “tự hủy”.
Các nghiên cứu trước đây phát hiện đa số người châu Á sở hữu enzyme gọi là APOBEC3A, mang đến năng lực phòng vệ trước các vi rút như SARS-CoV-2. Dựa trên những báo cáo này, nhóm chuyên gia của Viện Di truyền quốc gia và Đại học Niigata (Nhật Bản) tìm hiểu liệu APOBEC3A có ảnh hưởng gì đến protein nsp14 hay không, cũng như nó có thể hạn chế hoạt động của vi rút?
Họ thu thập mẫu gien di truyền của các biến thể Alpha và Delta trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 10. Kết quả thu được hoàn toàn bất ngờ: đại đa số mẫu nsp14 ở Nhật Bản đều xảy ra đột biến chồng chất ở địa điểm gọi là A394V trên gien của vi rút.
“Trong quá trình các đột biến của Delta được tích lũy, chúng tôi cho rằng vi rút chuyển thành phiên bản lỗi và mất đi khả năng tự sao chép. Dựa trên thực tế là số ca không tiếp tục tăng, có thể đến một thời điểm, các đột biến đã đẩy vi rút đến tình trạng gọi là “tuyệt chủng tự nhiên”, theo giáo sư Nhật Bản.
Cơ sở của giả thuyết
Giả thuyết của Giáo sư Inoue được cho có thể giải thích nguyên nhân về điều kỳ diệu tại Nhật Bản. Trong khi đa số quốc gia phát triển đều có tỷ lệ tiêm vắc xin cao, các nước như Hàn Quốc và một số nước EU vẫn đang đối mặt làn sóng dịch kế tiếp, nhưng Nhật Bản hoàn toàn ngược lại. Giáo sư Takeshi Urano của Đại học Shimane, không tham gia cuộc nghiên cứu của Giáo sư Inoue, nhận định phát hiện mới có thể giúp nhân loại tìm ra hóa chất có thể ức chế nsp14, dẫn đến sự ra đời của thuốc điều trị Covid-19 đầy hứa hẹn trong tương lai.
Trường hợp của Nhật Bản cũng đặc biệt vì đến cuối tháng 8, biến thể Delta gần như xóa sổ mọi biến thể khác gây bệnh Covid-19 tại nước này. Trong khi đó, các quốc gia như Ấn Độ và Indonesia đều ghi nhận sự hiện diện của cả Alpha lẫn Delta trong cộng đồng. Giáo sư Inoue cũng để ngỏ khả năng xảy ra “sự tuyệt chủng tự nhiên” của biến thể Delta ở những nước khác, nhưng ông cho rằng hiện chưa có quốc gia nào dường như tích lũy nhiều đột biến ở nsp14 như tại Nhật Bản. Dù vậy, các đột biến tương tự ở enzyme A394V cũng được phát hiện ở ít nhất 24 nước.
Giả thuyết của Giáo sư Inoue cũng có thể mang đến lời giải thích tại sao đợt bùng phát dịch SARS đột ngột chấm dứt vào năm 2003. Kết quả nghiên cứu tại phòng thí nghiệm cho thấy các đột biến ở nsp14 của vi rút gây bệnh SARS khi đó cho phép rút ra kết luận rằng vi rút sẽ mất đi năng lực tự sao chép nếu xảy ra quá nhiều đột biến ở protein quan trọng này.
Bên cạnh đó, ông Inoue cũng cảnh báo câu chuyện trên không có nghĩa là Nhật Bản đã được miễn dịch trước làn sóng lây nhiễm kế tiếp. Các biện pháp phòng dịch vẫn cần tiếp tục được áp dụng, trong khi chờ đợi thế giới phát minh vắc xin và thuốc điều trị thế hệ mới.
Ảm đạm số liệu tử vong vì Covid-19
Dữ liệu mới nhất từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho thấy số người tử vong vì Covid-19 tại Mỹ đã chạm mốc hơn 770.000 người. Tờ The Hill hôm qua đưa tin số người tử vong trong năm 2021 đến nay ít nhất là 385.348 người, cao hơn 15 người so với năm 2020. Cách biệt này sẽ còn nới rộng khi đại dịch đang trên đà tăng trở lại tại Mỹ.
Hồi tháng 6, phân tích của tờ The Wall Street Journal cho thấy số người tử vong trên toàn cầu vì Covid-19 trong năm nay đã cao hơn con số của năm 2020. Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 còn thấp ở một số nơi, cộng với sự lơ là thực hiện các biện pháp phòng ngừa đã tạo điều kiện cho biến thể Delta lây lan mạnh, đặc biệt trong những người chưa tiêm vắc xin.
Trong khi đó, Giám đốc Hans Kluge của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu nói rằng Covid-19 một lần nữa đã trở thành nguyên nhân gây tử vong số 1 tại khu vực này. Vị chuyên gia cảnh báo thêm 500.000 người có thể tử vong vì Covid-19 từ nay đến tháng 3.2022 nếu các biện pháp khẩn cấp không được thực hiện. Ông Kluge kêu gọi mở rộng chương trình tiêm chủng, thực hiện các biện pháp y tế công cộng cơ bản và phát triển phương thuốc điều trị mới.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/dien-bien-ky-la-cua-covid-19-tai-nhat-ban-post1403688.html