Nhật Bản đặt mục tiêu tăng cường quan hệ với các đồng minh song song với củng cố vị thế quốc phòng trước sự mở rộng khả năng quân sự từ Trung Quốc
Nhật Bản lên kế hoạch phân bổ ít nhất 770 tỉ yen (khoảng 6,74 tỉ USD) cho quốc phòng trong gói ngân sách bổ sung. Đây là một phần của gói kích thích kinh tế được công bố hôm 19-11.
Theo hãng thông tấn Kyodo, Tokyo có động thái trên khi Nhật Bản và các đồng minh phương Tây bao gồm Mỹ, Anh và Úc phản ứng trước việc Trung Quốc tăng cường quân sự hóa ở châu Á - Thái Bình Dương.
Khoản ngân sách quốc phòng bổ sung này cao hơn mức 430 tỉ yen dành cho ngân sách tài khóa 2019, bao gồm các khoản chi cho tên lửa và máy bay tuần tra, cũng như tăng cường khả năng phòng thủ gần các đảo phía Tây Nam. Những thiết bị trên ban đầu dự định mua sắm trong năm 2022 nhưng được đẩy lên trong năm 2021.
Việc Nhật Bản mua thiết bị mới bằng ngân sách bổ sung là rất bất thường, báo hiệu sự cấp bách của Mỹ trong việc thúc giục đồng minh tăng cường sức mạnh quân sự. Đây là khoản ngân sách quốc phòng bổ sung cao nhất của Nhật Bản kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Trực thăng UH-1J tham gia tập trận bắn đạn thật tại khu huấn luyện ở TP Gotemba, tỉnh Shizuoka - Nhật Bản hồi tháng 5-2021 Ảnh: BLOOMBERG
Nhật Bản từ lâu cam kết duy trì ngân sách quân sự ở mức 1% của tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy nhiên, lo ngại hoạt động của quân đội Trung Quốc ở biển Hoa Đông khiến chính quyền Tokyo đã đặt mục tiêu chi từ 2% GDP cho quốc phòng.
Cựu Thủ tướng Abe Shinzo, người vẫn có ảnh hưởng trong đảng cầm quyền, hôm 19-11 cho rằng Nhật Bản nên hợp tác với các đối tác liên minh an ninh AUKUS gồm Úc, Anh, Mỹ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và không gian mạng.
Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh 3 bên (AUKUS) được đưa ra hồi tháng 9, cho phép Úc mua công nghệ để triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, được xem là phản ứng đối trọng với hành động quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là ở biển Đông.
Theo đài NHK (Nhật Bản), ông Kishida phản đối mạnh mẽ những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Đông và Hoa Đông.
Có thể hiểu được sự lo ngại của Nhật Bản và nhiều nước khác khi báo cáo của Tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ chỉ ra rằng Trung Quốc đã gia tăng lực lượng dân quân hàng hải ở biển Đông một cách có hệ thống trong một thập kỷ qua, với tham vọng kiểm soát khu vực tranh chấp.
Báo cáo của AMTI đã theo dõi các hoạt động, cảng, kinh phí và quyền sở hữu của lực lượng dân quân Trung Quốc ở biển Đông. Theo báo cáo này, các tàu của lực lượng dân quân có bề ngoài là tàu đánh cá nhưng lại hoạt động theo mục đích chính trị và quân sự.
Trong buổi công bố báo cáo trên hôm 18-11, ông Greg Poling - Giám đốc AMTI, cũng là đồng tác giả báo cáo - cho hay lực lượng dân quân của Trung Quốc đã được xây dựng theo hướng chuyên nghiệp hóa trong 8 năm qua. Tàu của lực lượng này còn thu thập thông tin tình báo cho Hải quân Trung Quốc.
Tuy nhiên đến nay, Trung Quốc vẫn phủ nhận việc sử dụng lực lượng dân quân hàng hải cho những hành động phi lý ở biển Đông.
Theo Xuân Mai/NLĐO
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/quyet-dinh-buoc-ngoat-cua-nhat-ban-20211119211043462.htm