Thông tin của đài CNBC ngày 12-11 cho biết Belarus đã đe dọa cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu nếu Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới phía Tây nước này.
EU cáo buộc Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko "vũ khí hóa" hàng ngàn người đang tập trung trong các trại tị nạn ở biên giới với Ba Lan nhằm mục đích "phá hoại an ninh của EU và đánh lạc hướng dư luận quốc tế khỏi áp lực chính trị trong nước". Tuy nhiên, Belarus bác bỏ cáo buộc này.
Với việc EU được cho là sẽ áp đặt vòng trừng phạt mới đối với Belarus, ông Lukashenko nói trong cuộc họp nội các khẩn cấp ngày 11-11 rằng Belarus có thể cắt các chuyến giao hàng khí đốt dọc theo đường ống Yamal - châu Âu từ Nga. Động thái này có thể gây thêm áp lực cho các nhà lãnh đạo châu Âu trong bối cảnh châu lục này vẫn bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
"Chúng ta góp phần sưởi ấm châu Âu và họ vẫn đe dọa chúng ta rằng sẽ đóng cửa biên giới. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cắt đứt quá trình vận chuyển khí đốt tự nhiên cho họ? Vì thế, tôi đề nghị các lãnh đạo của Ba Lan, Lithuania và những người khác nên cân nhắc trước khi họ phát biểu" - ông Lukashenko tuyên bố trước các bộ trưởng trong cuộc họp nội các.
Cảnh sát và quân đội Ba Lan trông chừng người di cư ở biên giới Ba Lan - Belarus, gần Kuznica Ảnh: REUTERS
Giá khí đốt tự nhiên tăng vọt gần 7% ngày 11-11, sau những bình luận của ông Lukashenko.
Trong khi đó, đối với phần lớn người di cư đến từ Syria, Yemen và Iraq, hãng hàng không nhà nước Belarus - Belavia - ngày 12-11 thông báo sẽ không cho những người này lên các chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Belarus, theo yêu cầu của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao về thị trường mới nổi tại Công ty Bluebay Asset Management (Anh), nhận định tình hình "có thể căng thẳng hơn nữa", bao gồm khả năng Nga gây áp lực lên châu Âu vì dòng chảy khí đốt từ Belarus bị gián đoạn trong bối cảnh các máy bay của Nga dường như đang tuần tra để bảo đảm an ninh biên giới Belarus với NATO.
Tuy nhiên, giám đốc tại Công ty Tư vấn chính trị Eurasia Group, ông Emre Peker, cho rằng ông Lukashenko "khó có khả năng thực hiện mối đe dọa làm gián đoạn dòng khí đốt đến châu Âu do hạn chế về doanh thu và có thể bị Nga phản đối".
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong cuộc họp ngày 12-11 rằng Moscow đã không được tham vấn trước những lời đe dọa của ông Lukashenko.
"Việc đóng cửa đường ống sẽ làm tổn hại đến vị thế thị trường lâu dài của Tập đoàn Gazprom (Nga), làm tăng thêm lo ngại về ổn định nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Đồng thời, nó cũng sẽ tiêu tốn của ông Lukashenko khoảng 300 triệu USD mỗi năm đối với doanh thu vận chuyển mà Belarus không đủ khả năng chi trả. Con số này có thể so sánh với tác động kinh tế từ lệnh trừng phạt của EU đối với xuất khẩu dầu và kali của Belarus hồi tháng 6 và sẽ vượt quá tác động của lệnh trừng phạt mới của EU" - ông Peskov lưu ý.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/khung-hoang-di-cu-belarus-doa-dap-tra-neu-chau-au-trung-phat-20211113203935529.htm