Vào cuối tuần này, Hà Lan sẽ là nước đầu tiên ở Tây Âu phong tỏa 1 phần kể từ mùa hè năm nay để ngăn chặn số ca mắc Covid-19 đang tăng lên.
Ngày 12-11, đài truyền hình Hà Lan NOS dẫn nguồn tin từ chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte cho biết các quán bar, nhà hàng và cửa hàng không thiết yếu buộc phải đóng cửa vào lúc 19 giờ (giờ địa phương) trong ít nhất 3 tuần, bắt đầu từ ngày 13-11.
Ngoài ra, người dân được khuyến cáo làm việc tại nhà nhiều nhất có thể và không được phép đến xem các sự kiện thể thao trong những tuần tới. Trong khi đó, các trường học, rạp hát và rạp chiếu phim vẫn được phép mở cửa.
Các ca mắc mới Covid-19 tại đất nước 17,5 triệu dân đã tăng nhanh chóng sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được gỡ bỏ vào cuối tháng 9 và đạt mức kỷ lục khoảng 16.300 ca trong vòng 24 giờ vào ngày 11-11.
Đường phố Hà Lan trong đợt phong tỏa hồi tháng 1. Ảnh: Reuters
Làn sóng lây nhiễm mới đã gây áp lực lên các bệnh viện trên toàn Hà Lan, buộc họ phải mở rộng quy mô chăm sóc thường xuyên trở lại để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Để ngăn chặn đợt bùng phát, ban cố vấn về đại dịch của chính phủ ngày 11-11 đề xuất phong tỏa 1 phần và hạn chế ra vào những nơi công cộng đối với những người đã được tiêm phòng đầy đủ hoặc vừa được chữa khỏi Covid-19.
Động thái này cho thấy chính sách của chính phủ Hà Lan đã có 1 bước ngoặt mạnh mẽ vì cách đây 1 tháng, họ vẫn cho rằng tỉ lệ tiêm chủng tương đối cao đồng nghĩa với việc có thể giảm bớt các biện pháp hạn chế vào cuối năm nay.
Khoảng 85% người trưởng thành tại Hà Lan đã được tiêm phòng đầy đủ và chỉ một số ít người có hệ miễn dịch yếu mới được tiêm mũi tăng cường. Bắt đầu từ tháng 12, những người từ 80 tuổi trở lên sẽ được tiêm nhắc lại.
Ảnh: Reuters
Hà Lan không phải là nước duy nhất cân nhắc áp dụng các phương pháp nghiêm ngặt khi số ca nhiễm chạm mức kỷ lục. Ngày 11-11, Áo thông báo họ sắp phong tỏa hàng triệu người chưa được tiêm vắc-xin.
Dù vậy, nhiều nước phát triển vẫn theo đuổi quan điểm rằng việc triển khai chương trình tiêm chủng đồng nghĩa với việc không cần phong tỏa, ví dụ như Anh đang dựa vào các mũi tiêm tăng cường để tăng khả năng miễn dịch.
Gần 2 năm sau cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu khiến hơn 5 triệu người thiệt mạng, làn sóng dịch mới một lần nữa càn quét nhiều khu vực của Tây Âu, nơi có tỉ lệ tiêm chủng tương đối cao và hệ thống chăm sóc y tế tiên tiến.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các ca tử vong vì Covid-19 đã tăng 10% tại châu Âu trong tuần vừa qua. Cùng lúc đó, một quan chức của WHO cảnh báo lục địa này "một lần nữa trở thành tâm điểm của đại dịch".
Một người đàn ông Tây Ban Nha ngồi chờ sau khi được tiêm vắc-xin Covid-19. Ảnh: AP
Trong khi các nước ở Tây Âu đều có tỉ lệ tiêm chủng trên 60% hoặc cao hơn nhiều, một phần đáng kể dân số của họ vẫn chưa được bảo vệ.
Tiến sĩ Bharat Pankhania, giảng viên cao cấp tại trường ĐH Y dược và Sức khỏe Exeter (Anh), nói số lượng lớn những người chưa được tiêm vắc-xin, sự gia tăng các hoạt động tương tác xã hội hậu phong tỏa và sự suy giảm nhẹ khả năng miễn dịch đối với những người đã tiêm phòng cách đây vài tháng là những tác nhân làm tăng tốc độ lây nhiễm.
Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu các nước có thể ngăn chặn làn sóng dịch mới nhất này mà không cần dùng đến các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã tàn phá các nền kinh tế, làm gián đoạn giáo dục và tác động nặng nề lên sức khỏe tâm thần hay không.
Các chuyên gia cho rằng điều này là có thể nhưng chính phủ các nước không thể tránh khỏi toàn bộ các biện pháp hạn chế và bắt buộc tăng tỉ lệ tiêm chủng.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/den-luot-tay-au-roi-tro-lai-vong-xoay-phong-toa-covid-19-20211112165517804.htm