Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo tình hình dịch bệnh đang diễn biến nghiêm trọng ở châu Âu và khu vực này lại trở thành tâm dịch Covid-19.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở Moscow, Nga ngày 13/10 (Ảnh: Reuters).
"Một lần nữa, chúng ta (châu Âu) lại ở tâm dịch", Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge phát biểu trong cuộc họp báo ngày 4/11.
Ông Kluge lưu ý "tốc độ lây nhiễm hiện tại ở 53 quốc gia thuộc khu vực châu Âu là điều đáng lo ngại" và số ca nhiễm mới đang gần chạm mức kỷ lục. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn do sự xuất hiện của biến chủng Delta với khả năng lây nhiễm cao hơn.
Theo thống kê của WHO, với 78 triệu người mắc Covid-19, số ca nhiễm ở châu Âu hiện vượt tổng số ca nhiễm ở các khu vực khác gồm Đông Nam Á, Đông Địa Trung Hải, Tây Thái Bình Dương và châu Phi cộng lại.
Ông Kluge cho biết, theo một mô hình dự báo "đáng tin cậy", đến tháng 2/2022, châu Âu có thể ghi nhận thêm khoảng "nửa triệu" ca tử vong vì Covid-19 nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp diễn như hiện nay.
Quan chức WHO cũng cho biết, sự gia tăng số ca nhiễm "được ghi nhận ở tất cả các nhóm tuổi".
"Hiện nay, mọi quốc gia ở châu Âu và Trung Á đang phải đối mặt với mối đe dọa thực sự về sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 và phải chiến đấu với dịch", ông Kluge cho biết.
Ông Kluge nêu 2 nguyên nhân chính khiến số ca nhiễm tăng vọt ở châu Âu hiện nay, gồm tỷ lệ bao phủ tiêm chủng chưa cao và các biện pháp giãn cách xã hội, sức khỏe cộng đồng được nới lỏng.
Quan chức WHO nói rằng tỷ lệ nhập viện cao hơn ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn. Các biện pháp như xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, giãn cách xã hội và đeo khẩu trang vẫn là một phần trong "kho vũ khí" để chống lại virus.
"Chúng ta phải thay đổi chiến thuật của mình, từ ứng phó với sự gia tăng của Covid-19, sang ngăn chặn chúng lây lan ngay từ đầu", ông Kluge nói.
Theo dữ liệu chính thức do AFP tổng hợp, số ca nhiễm mới mỗi ngày đã tăng trong gần 6 tuần liên tiếp ở châu Âu và số ca tử vong mới mỗi ngày cũng tăng trong hơn 7 tuần liên tiếp, với khoảng 250.000 ca nhiễm và 3.600 ca tử vong mỗi ngày.
Trong 7 ngày qua, Nga dẫn đầu khu vực với 8.162 ca tử vong, tiếp theo là Ukraine với 3.819 ca và Romania với 3.100 ca. Số ca nhiễm mới tại Nga liên tục lập kỷ lục, trong khi Tổng thống Vladimir Putin phải huy động quân đội hỗ trợ chống dịch.
Các quan chức WHO đã chỉ ra một số yếu tố khiến dịch lây lan mạnh ở châu Âu, trong đó có tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp ở một số nước Đông Âu.
Châu Âu là một trong những khu vực triển khai nhanh chóng chương trình tiêm chủng, nhưng mức độ phân phối vaccine có sự chênh lệch. Số ca nhiễm có xu hướng gia tăng khi nhiều nước đã bắt đầu dỡ bỏ các lệnh hạn chế để mở cửa kinh tế.
Giới chuyên gia nhấn mạnh, vaccine là vũ khí cần thiết để giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong do Covid-19, nhưng các nước vẫn cần thận trọng khi mở cửa. WHO cho biết, đến nay, 47% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine Covid-19.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/who-canh-bao-dich-covid19-dang-dien-bien-nghiem-trong-o-chau-au-20211104203747597.htm