Với số tiền thừa kế hàng tỷ USD, Tyler Huang, một thanh niên người Anh gốc Singapore ngoài 20 tuổi, có thể mua những thứ mà nhiều người mơ ước, nhưng cuộc sống của cậu vẫn đầy bi kịch.
Tỷ phú Tyler Huang (Ảnh: Vice).
Cuộc sống trong nhung lụa
Ở tuổi mà nhiều người vẫn phải đau đầu với các khoản tài chính, thì Tyler Huang đã cùng với bố tham gia vào một thương vụ thâu tóm một câu lạc bộ bóng đá Anh. Nếu muốn, gia đình Huang có thể tung xúc xắc để quyết định mua bất động sản nào ở London. Tyler Huang có thể ăn thịt bò wagyu trong mọi bữa ăn.
Đó là cuộc sống mà nhiều người mơ ước, nhưng với Huang, anh chia sẻ: "Nó không đáng mơ ước như nhiều người nghĩ. Tiền bạc có thể giải quyết nhiều vấn đề, nhưng không thể giải quyết được những vấn đề sâu trong nội tâm. Mọi người nói tôi may mắn vì giàu có. Tôi biết là mình có một cuộc sống mà nhiều người mơ ước, nhưng sẽ rất thiếu sót khi đánh giá một con người bằng thước đo của cải".
Tyler Huang, 23 tuổi, được thừa kế hàng tỷ USD hồi đầu năm nay sau khi cha mẹ lần lượt qua đời. Tuy nhiên, nếu vô tình gặp Huang trên đường, người ta thấy Huang không có gì khác biệt những người xung quanh. Huang sinh ra và lớn lên ở London.
Ngay từ nhỏ, Huang đã có một cuộc sống bọc nhung với nhiều bảo mẫu, người giúp việc xung quanh. Cả tuổi thơ, Huang sống trong một thế bao bọc, tách hẳn thế giới bên ngoài, sống trong những biệt thự xa xỉ với máy bay tư nhân. Huang cho biết: "Khi còn nhỏ, tôi không được chơi nhiều với đồ chơi. Bố tôi sưu tầm xe hơi nên những khi rảnh rỗi tôi thường ra ngoài trên những chiếc xe hơi đó", Huang cho biết.
Huang và gia đình được bảo vệ bởi hệ thống an ninh khắp nơi và đội vệ sĩ hùng hậu. Bố mẹ Huang luôn lo sợ nguy cơ bị bắt cóc hay bị trộm tấn công và đó là lý do hệ thống an ninh được lắp khắp nơi trong ngôi nhà của Huang. Lái xe của gia đình Huang được đào tạo để có thể đương đầu với những kẻ tội phạm. Thậm chí, nếu Huang muốn, bố cậu có thể phái cả một đội vệ sĩ theo sau để bảo vệ khi cậu mua kem. Huang nhận thức được sự khác biệt của mình khi bố mẹ cậu cử người điều lý lịch của tất cả những người bạn mà anh chơi cùng.
Từ khi còn là thiếu niên, Huang đã sở hữu không chỉ một mà đến hai tấm thẻ AMEX Centurion - thẻ tín dụng xa xỉ bậc nhất thế giới, gồm một chiếc của mẹ cho và một chiếc của bố cho.
Tuy vậy, Huang tỏ ra nuối tiếc vì điều đó: "Ước gì tôi không có những chiếc thẻ đó, có lẽ tôi đã hiểu được giá trị của đồng tiền và nhiều thứ khác. Tôi nhớ có lần khi tôi 16 tuổi, bố đã đánh thức tôi dậy vào một buổi sáng để trêu đùa về khoản tiền mà tôi đã tiêu xài đêm qua, nhưng tôi không nhớ nhiều về nó vì đã say khướt. Sau đó, bố tôi kể là tôi đã thuê một chiếc du thuyền ở tận Bangkok".
Những bi kịch nối dài
Tyler Huang khi còn nhỏ (Ảnh: Vice).
Cuộc sống nhung lụa không khiến Huang cảm thấy hạnh phúc thực sự. Thay vào đó, Huang cảm thấy mẹ cậu đánh giá giá trị cuộc sống của cậu bằng kết quả học tập. Lo ngại về kết quả học tập không được như mong muốn của con trai, mẹ Huang đã nhờ đến một bác sĩ tâm lý và Huang được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm.
Sau đó, mẹ của Huang đã gửi gắm cậu vào một trường nội trú đắt đỏ bậc nhất thế giới ở Thụy Sĩ. Mặc dù vậy, kết quả học tập của Huang cũng không đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ. Một lần nữa, cậu được chuyển đến một ngôi trường có tiếng ở Singapore. Nhờ các mối quan hệ của gia đình, Huang không phải làm các bài thi tuyển đầu vào, nhưng kết quả vẫn không có tiến triển. Mỗi lần như thế, Huang cảm thấy cậu đã làm bố mẹ thất vọng, sự mặc cảm, trầm cảm do vậy đã đeo bám Huang.
Chuyên gia tâm lý Suniya Luthar của Đại học Columbia (Mỹ) cho biết, rất nhiều gia đình giàu có có xu hướng che giấu bệnh trầm cảm và các căn bệnh về sức khỏe thần kinh, một phần vì họ không muốn tin điều đó, một phần là vì sợ cảm giác xấu hổ.
Với Huang, việc thừa kế một khối tài sản lớn cũng có thể là một phần lý do khiến cậu mang mặc cảm tội lỗi. Stephen Goldbart, đồng sáng lập một viện nghiên cứu, nhận định những người được thừa kế một khối tài sản lớn thường có mặc cảm tội lỗi, ông gọi đó là "triệu chứng của việc giàu lên trong chớp mắt". "Họ nghiễm nhiên được trao những thứ mà nhiều người ao ước. Họ nghĩ, sao lại là tôi. Chính điều đó, núi tiền bỗng dưng trở thành một tấn gạch đè nặng", ông Goldbart nói.
Bi kịch của Huang nối dài. Sau khi hoàn thành chương trình học, Huang bắt đầu tham gia nghĩa vụ quân sự ở Singapore. Tuy nhiên, năm 19 tuổi, cậu phát hiện một khối u não ở thùy trán trái và có thể chỉ sống được 5 năm nữa, nên được miễn nghĩa vụ quân sự. Một số người vẫn nghĩ cậu được miễn nghĩa vụ quân sự nhờ các mối quan hệ của gia đình.
Năm 20 tuổi, Huang cuối cùng cũng tìm được đam mê của mình trong lĩnh vực kiến trúc. Lúc này cậu mới cảm nhận được hạnh phúc thực sự, nhưng hạnh phúc này cũng không kéo dài bao lâu. Năm 2017, anh trai của Huang qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi. Ba năm sau đó mẹ của Huang cũng qua đời vì bệnh ung thư và bố của Huang mất trong một vụ tai nạn hồi tháng 2 năm nay.
Căn bệnh ung thư của Huang đã ở giai đoạn cuối, tình hình sức khỏe không cho phép cậu tiếp tục công việc kiến trúc sư. Huang tập trung cho việc chữa bệnh và quản lý cơ nghiệp của gia đình. Huang vẫn sống một cuộc sống trong nhung lụa, nhưng bên trong, trái tim của cậu đang vỡ vụn và đau khổ. Huang cho biết, tất cả những gì anh cần hiện tại chỉ là cái ôm của bố mẹ mang lại cho anh cảm giác yêu thương và an toàn.
May mắn là Huang vẫn có bố mẹ đỡ đầu, những người cho rằng dành thời gian cho gia đình đáng giá hơn nhiều so với một chiếc đồng hồ Rolex hay siêu xe Ferraris, Lamborghini.
Theo Minh Phương/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/bi-kich-cua-cau-am-thua-ke-hang-ty-usd-o-tuoi-23-20210907121047996.htm