Trung Quốc được cho đã yêu cầu hơn 5.000 dân ở một huyện giáp biên giới Myanmar nhanh chóng sơ tán trong nỗ lực nhằm ngăn Covid-19 lây lan.
Nhân viên y tế Trung Quốc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân (Ảnh minh họa: Reuters).
SCMP dẫn nguồn tin từ chính quyền và người dân cho hay, hơn 5.000 dân sống ở huyện Jiegao, Vân Nam hồi đầu tuần đã nhận được yêu cầu xếp hành lý và lên xe buýt để di chuyển tới một khu vực cách ly tập thể ở thành phố Mangshi cách đó 100 km. Huyện Jiegao nằm sát biên giới với Myanmar.
Chính quyền được cho là muốn tạo ra một "vùng đệm" không có người ở tạm thời giữa 2 nước để ngăn dịch bệnh lây lan.
Một nguồn tin từ chính quyền Vân Nam cho biết, hơn 5.000 người dân này dự kiến sẽ sống trong khu cách ly 14 ngày và họ sẽ được sàng lọc và kiểm tra kỹ lưỡng. Nguồn tin nói rằng, việc di tản toàn bộ người dân sống ở huyện này đã hoàn tất và đây được xem là biện pháp cuối cùng vì huyện này đã bị phong tỏa từ tháng 3 nhưng vẫn tiếp tục ghi nhận ca bệnh.
Chính quyền địa phương cũng đã cử các đội an ninh và kiểm soát đại dịch tuần tra trên đường phố để đảm bảo không có ai vượt qua biên giới bất hợp pháp và bảo vệ tài sản của người dân.
Cầu Jiegao là tuyến đường chính nối giữa Trung Quốc và Myanmar, và khu vực này là một trung tâm giao dịch sôi động tập trung các thương nhân buôn bán thiếc và ngọc bích từ cả hai phía biên giới.
"Đó là một quyết định rất khó khăn. Tính tới ngày 25/8, huyện này đã bị phong tỏa 150 ngày. Nhưng nó vẫn bị cơ quan y tế tỉnh Vân Nam liệt kê là khu vực có nguy cơ cao duy nhất tại địa phương. Chúng tôi cần phải đưa toàn bộ cư dân tới Mangshi trong 2 tuần mà không có sự lựa chọn nào khác", nguồn tin nói.
Ông cho biết, phía Trung Quốc dường như cũng trục xuất những người nước ngoài không có giấy tờ hợp lệ về nước, chủ yếu là Myanmar và một số người Lào.
Một quan chức trong lực lượng phòng chống Covid-19 Thụy Lệ, Vân Nam đã xác nhận về cuộc sơ tán dân với SCMP, nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Đoạn video ghi lại cảnh người dân mặc đồ bảo hộ kín người lên xe buýt đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Một người trong video thừa nhận rằng đại dịch đã gây thiệt hại cho anh khi anh buộc phải đóng cửa hàng bán ngọc bích từ tháng 3. Ngoài ra, nguồn cung ngọc bích từ Myanmar cũng bị cắt đứt do dịch khiến anh này cũng không thể bán hàng trực tuyến và gia đình anh lâm vào cảnh khó khăn.
Myanmar đang ghi nhận đợt bùng dịch mới do biến chủng Delta. Tính đến ngày 26/8, nước này đã ghi nhận 380.000 ca bệnh và 14.700 người chết vì dịch. Ngoài ra, Myanmar cũng đối diện với khủng hoảng chính trị sau cuộc đảo chính hồi tháng 2. Các nỗ lực chống dịch ở nước này gần như tê liệt trong thời gian qua.
Dịch bùng ở nước láng giềng Myanmar, khiến giới chức Trung Quốc "đau đầu" khi tỉnh Vân Nam ghi nhận hàng loạt ca nhập khẩu trong thời gian qua và một số ca đã gây ra tình trạng lây lan trong cộng đồng.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/trung-quoc-so-tan-mot-huyen-hon-5000-dan-giap-myanmar-de-ngan-covid19-20210827214110284.htm