Cách tiếp cận dường như thực dụng với Taliban của Trung Quốc khi nhóm vũ trang này lên nắm quyền ở Afghanistan đã gây ra làn sóng tranh luận trong dư luận nước này.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (bên phải) gặp phó thủ lĩnh Taliban Mullah Baradar Akhund tại Thiên Tân, Trung Quốc hôm 28/7 (Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc).
Ngày 15/8, nhóm vũ trang Taliban đã tiến về thủ đô Kabul, lật đổ chính quyền Afghanistan thân phương Tây và giành quyền kiểm soát quốc gia Trung Nam Á.
Trước khi Taliban giành quyền lực chính thức, Trung Quốc đã gặp lãnh đạo của nhóm vũ trang này. Theo giới quan sát, các động thái của Trung Quốc dường như gửi đi thông điệp rằng họ sẵn sàng bắt tay với chính phủ của Taliban miễn là điều đó hợp với lợi ích của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, cách truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin về Taliban hay các thông điệp mà giới ngoại giao Bắc Kinh mô tả về Taliban trong những ngày qua đã gây phản ứng trái chiều trong dư luận nước này, với nhiều ý kiến viện dẫn quá khứ bạo lực và kỳ thị phụ nữ của Taliban khi nắm quyền ở Afghanistan 20 năm trước.
Các chuyên gia cho rằng, cách tiếp cận của Trung Quốc với Taliban thể hiện chiến lược có tính thực dụng của Bắc Kinh. Bắc Kinh nhiều lần cáo buộc Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) - được cho có quan hệ với Taliban, đã sử dụng Afghanistan làm căn cứ để đào tạo lực lượng nhằm thực hiện các vụ tấn công ở Tân Cương. Trong cuộc gặp với giới chức Trung Quốc, Taliban đã cam kết rằng, họ sẽ "không bao giờ cho phép bất cứ lực lượng nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để gây ra các kế hoạch gây đe dọa tới an ninh quốc gia Trung Quốc".
Sự bất ổn ở Afghanistan cũng có thể làm ảnh hưởng tới tình hình an ninh Pakistan, nơi Trung Quốc đã đổ 50 tỷ USD trong khuôn khổ sáng kiến "Một vành đai, một con đường". Tác động lan tỏa của việc Taliban lên nắm quyền đối với các nhóm phiến quân Hồi giáo khác có thể đe dọa các lợi ích kinh tế và chiến lược của Trung Quốc trong khu vực rộng lớn hơn.
Giới quan sát nhận định, Trung Quốc đang có hướng tiếp cận có xu hướng xích lại gần Taliban vì điều này sẽ có lợi cho Bắc Kinh, chấp nhận thực tế rằng nhóm này đang nắm quyền ở Afghanistan.
Dư luận Trung Quốc phản ứng trái chiều
Các thành viên của Taliban chiếm dinh tổng thống ở thủ đô Kabul, Afghanistan ngày 15/8 (Ảnh: AP).
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 19/8 cho biết: "Một số người thể hiện sự không tin tưởng với Taliban. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng không có thứ gì là mãi mãi không thay đổi. Chúng ta cần xem xét quá khứ và hiện tại, cần lắng nghe lời nói và xem xét hành động".
Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, trong khi đó, đã đăng một đoạn video ngắn về lịch sử của Taliban hồi đầu tuần. Đoạn clip dài 60 giây cho biết nhóm được thành lập trong cuộc nội chiến ở Afghanistan bởi "sinh viên trong các trại tị nạn" và được mở rộng với sự "hỗ trợ từ người nghèo", nói thêm rằng nhóm "đã tham gia cuộc chiến với Mỹ trong 20 năm kể từ năm 2001".
Đoạn video đã trở thành vấn đề tranh luận khá nóng trên mạng xã hội Trung Quốc, với nhiều ý kiến chỉ trích Nhân dân Nhật báo vì không nhắc tới mối liên hệ với khủng bố của Taliban.
Một số ý kiến viện dẫn quá khứ bạo lực của Taliban khi còn nắm quyền ở Afghanistan từ năm 1996-2001, như hành quyết công khai người phạm tội, chặt tay kẻ trộm, cấm phụ nữ ra đường khi không có đàn ông, cấm phụ nữ đi học và đi làm. Taliban từng phá hủy tượng phật Bamiyan Buddha nổi tiếng tại miền trung Afghanistan, bất chấp sự phản đối từ quốc tế. Nhân dân Nhật báo sau đó đã xóa đoạn video gây tranh cãi.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát đi thông báo nói rằng, Bắc Kinh tôn trọng "nguyện vọng và sự lựa chọn của người dân Afghanistan". Thông điệp này được xem là gây tranh cãi vì dường như nó có hàm ý nói rằng Taliban nhận được sự ủng hộ đông đảo tại Afghanistan. Trên mạng xã hội Wechat, một bài viết đã đặt ra câu hỏi: "Liệu Taliban có phải là lựa chọn của người dân Afghanistan?" đã thu về 100.000 lượt xem và được chia sẻ rộng rãi.
Viễn cảnh phụ nữ Afghanistan có thể mất cơ hội được đi học và đi làm được xem là có tác động mạnh tới dư luận Trung Quốc vào thời điểm hiện tại, sau hàng loạt các vụ bê bối xảy ra ở nước này thời gian qua. Ví dụ, vụ Trung Quốc bắt ngôi sao giải trí Ngô Diệc Phàm vì cáo buộc cưỡng hiếp hay vụ một giám đốc điều hành của tập đoàn Alibaba bị cáo buộc tấn công tình dục nhân viên nữ đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích mới chống lại tư tưởng gia trưởng và coi thường phụ nữ.
Sau khi lên nắm quyền, Taliban tuyên bố họ đã rất khác so với 20 năm trước và cam kết sẽ tôn trọng quyền phụ nữ. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng những lời hứa của Taliban vẫn còn khá mơ hồ và những hành động của nhóm trong thời gian qua chưa thể hiện được việc nhóm vũ trang này có thể đã thực sự thay đổi.
Theo Đức Hoàng/Dân trí (nguồn Bloomberg)
https://dantri.com.vn/the-gioi/du-luan-trung-quoc-tranh-cai-khi-bac-kinh-chia-tay-voi-taliban-20210820172626280.htm