Các cuộc nghiên cứu cho thấy biến thể Delta sao chép nhanh chóng và tạo ra tải lượng virus cao hơn các biến thể khác, nhưng những loại vắc xin hiện có vẫn có thể bảo vệ con người trước nguy cơ mắc bệnh nặng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay biến thể này đã lan ra hơn 135 quốc gia trên thế giới
Trong lúc Mỹ chống chọi làn sóng dịch thứ tư, giới khoa học thu thập thêm nhiều thông tin về biến thể Delta so với thời điểm lần đầu tiên ghi nhận ở Ấn Độ ở tháng 3: Đây là một trong những biến thể virus gây bệnh đường hô hấp lây nhiễm mạnh nhất, khiến bệnh nặng hơn so với các biến thể khác, và nhiều khả năng vượt qua hàng rào phòng vệ kháng thể của cơ thể người.
Chỉ tính riêng tại Mỹ, biến thể Delta đã trở thành chủng virus trội gây Covid-19, chiếm hơn 93% số ca mắc mới, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay biến thể này cũng đã lan ra hơn 135 quốc gia trên thế giới.
Tốc độ lây lan báo động
CDC ước tính biến thể Delta có tốc độ lây nhiễm nhanh như đậu mùa, và chỉ kém virus gây bệnh sởi. “Tốc độ lây nhiễm của biến thể này thật đáng kinh ngạc, cũng như khả năng nhân rộng của nó ở đường hô hấp trên”, theo Tạp chí National Geographic dẫn lời nhà virus học Mehul Suthar của Đại học Emory (bang Georgia, Mỹ).
Để theo dõi mức độ lây lan của virus gây bệnh Covid-19, giới chuyên gia dịch tễ học sử dụng công cụ gọi là chỉ số R. Chẳng hạn, trong trường hợp Ấn Độ, chỉ số R ở mức 1,3 có nghĩa là 10 người mắc Covid-19 sẽ lây lan cho 16 đến 17 người khác.
Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, chỉ số R dao động từ 2 đến 3, có nghĩa là một người mắc lây cho 2 đến 3 người khác. Trong trường hợp dịch SARS năm 2002, chỉ số R là 3, còn Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) năm 2012, chỉ số R từ 0,69 đến 1,3.
Theo CDC, ước tính người mắc biến thể Delta lây nhiễm cho từ 5 đến 9,5 người, cao hơn nhiều lần so với chủng ban đầu ở Vũ Hán là từ 2,3 đến 2,7. Biến thể Alpha có chỉ số R từ 4 đến 5.
Nếu chỉ số R lớn hơn 0, số người nhiễm virus sẽ tăng theo cấp số nhân cho đến khi nào đạt được miễn dịch cộng đồng. Với chủng virus ban đầu, ngưỡng miễn dịch cộng đồng đạt được khi khoảng 67% dân số bị mắc bệnh hoặc được tiêm chủng.
“Đối với biến thể Delta, ngưỡng này phải cao hơn 80, hoặc thậm chí tiếp cận mức 90%”, theo trợ lý giáo sư Ricardo Franco của Đại học Alabama (Mỹ).
Gây bệnh nặng hơn
Biến thể Dela không chỉ lây lan mạnh hơn mà còn gây bệnh nặng hơn các biến thể khác. Khi xét nghiệm mẫu quét phần mũi, tải lượng virus ở người mắc biến thể Delta cao gấp 1.000 lần so với những biến thể trước đó.
Ông Eric Topol, nhà sáng lập và giám đốc của Viện Nghiên cứu Xuyên Quốc gia (bang California, Mỹ), cho biết biến thể Delta chết chóc hơn là do chúng nhân đôi nhanh chóng ở khoang mũi. Một cuộc nghiên cứu chưa được bình duyệt phát hiện biến thể Delta mất trung bình khoảng 4 ngày để đạt đến ngưỡng có thể bị phát hiện kể từ khi tiếp xúc người bệnh, so với khoảng 6 ngày ở chủng virus của Vũ Hán.
Bên cạnh đó, biến thể Delta cũng mang theo năng lực tiêu diệt tế bào mạnh mẽ hơn hẳn, do đột biến ở vị trí 681 của protein gai (P681R) phá hủy tế bào ở người. Điều này cho phép nó đột phá thành công hơn hàng rào phòng vệ miễn dịch ở người.
Tin tốt lành là tiêm đủ mũi các dòng vắc xin ngừa Covid-19 hiện tại vẫn có thể bảo vệ con người trước nguy cơ bệnh nặng, theo nhiều cuộc nghiên cứu.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/the-gioi/giai-ma-su-nguy-hiem-cua-bien-the-delta-1429078.html