Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng tình trạng bất bình đẳng về vắc xin Covid-19 trên toàn cầu là điều "đáng xấu hổ" và kêu gọi "20 nhân vật quyền lực" trên thế giới hành động để thay đổi điều này.
WHO nhiều lần kêu gọi thế giới giải quyết tình trạng bất bình đẳng vắc xin trên toàn cầu (Ảnh minh họa: AP).
Quan chức WHO Bruce Aylward ngày 10/8 đã thúc giục 20 nhân vật có tầm ảnh hưởng tới việc phân phối vắc xin trên toàn cầu, thay đổi tình trạng bất bình đẳng về vắc xin mà ông mô tả là "đáng xấu hổ" trên thế giới trước tháng 10.
WHO và các chuyên gia y tế nhiều lần đề cập tới việc các nước giàu trong thời gian qua tích cực tích trữ vắc xin Covid-19, trong khi tại các nước thu nhập thấp và trung bình, tình trạng thiếu hụt nguồn cung vắc xin đang trở nên trầm trọng dù nhiều nước, vùng lãnh thổ đang trải qua các đợt bùng phát dịch quy mô lớn.
Ông Aylward kêu gọi các chính trị gia và doanh nhân quyền lực trên thế giới hành động để tăng tỷ lệ tiêm chủng trên toàn cầu một cách đồng đều.
"Có khoảng 20 người trên thế giới này nắm giữ quyền lực quan trọng trong việc giải quyết vấn đề mất cân bằng về vắc xin. Họ đứng đầu các công ty lớn (sản xuất, phân phối vắc xin), họ đứng đầu các nước mua phần lớn số vắc xin, họ đứng đầu các quốc gia sản xuất ra các chế phẩm này", ông Aylward nói.
Cũng liên quan tới Covid-19, ông Bruce Aylward ngày 10/8 cho biết WHO đang cần khẩn cấp khoản ngân sách 7,7 tỷ USD để có thể giúp đỡ các nước thu nhập thấp chống lại sự lây lan nghiêm trọng của biến chủng Delta. Khoản tiền này sẽ được chi để cung cấp vắc xin, ôxy và hoạt động chăm sóc y tế khác.
Theo ông Aylward, khoản 7,7 tỷ USD là một phần trong khoản thiếu hụt ngân sách 16,8 tỷ USD. Theo WHO, sự thiếu hụt này đang cản trở khả năng của tổ chức trong việc đẩy mạnh hỗ trợ các nước đang phát triển, có tỷ lệ tiếp cận vắc xin thấp, đối phó với Covid-19.
"Chúng ta cần 20 nhân vật này nói rằng 'chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề này vào tháng 9. Chúng tôi sẽ đảm bảo 10% dân số của mỗi quốc gia trên toàn cầu được tiêm chủng (vào cuối tháng 9)'", quan chức WHO kêu gọi.
Gần 4,5 tỷ liều vắc xin đã được tiêm trên thế giới tính tới hiện tại, theo thống kê của AFP. Tại các nước thu nhập cao theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ tiêm là 104 liều/100 người. Trong khi đó, tại 29 quốc gia thu nhập thấp nhất thế giới, tỷ lệ tiêm chủng trung bình chỉ là 2 liều/100 người.
Trước đó, WHO đã đặt ra lộ trình mục tiêu là mọi quốc gia có thể tiêm chủng ít nhất 10% dân số vào cuối tháng 9, ít nhất 40% dân số vào cuối năm và 70% dân số vào giữa năm 2022.
Tuần trước, WHO kêu gọi các nước ngừng tiêm liều vắc xin tăng cường khi chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng cho thấy liệu nó có thực sự cần thiết hay không. WHO cho rằng, việc các nước lớn mua thêm vắc xin để tiêm liều thứ 3 có thể khiến các nước thu nhập thấp và trung bình khó khăn hơn trong việc mua chế phẩm này.
Một số nước giàu cho biết họ vẫn giữ nguyên kế hoạch tiêm liều thứ 3 cho nhóm dân số dễ bị tổn thương và vẫn sẽ song song thực hiện nghĩa vụ hỗ trợ vắc xin cho các nước đang cần nguồn chế phẩm này.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/who-keu-goi-20-nhan-vat-quyen-luc-the-gioi-hanh-dong-ve-vac-xin-covid19-20210811110427652.htm