Một nhà dịch tễ học nổi tiếng cho rằng đại dịch Covid-19 sẽ không sớm kết thúc vì mới chỉ có một phần nhỏ dân số thế giới được tiêm vắc xin.
Nhà dịch tễ học Larry Brilliant (Ảnh: Getty).
Tiến sĩ Larry Brilliant, nhà dịch tễ học thuộc nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng giúp xóa sổ bệnh đậu mùa, cho biết biến chủng Delta là "có thể là chủng virus dễ lây lan nhất" từ trước đến nay.
Trong những tháng gần đây, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, cũng như các quốc gia khác ở châu Âu, châu Phi và châu Á đã phải vật lộn để đối phó với biến chủng Delta với khả năng lây nhiễm cao hơn.
Trả lời phỏng vấn CNBC hôm 6/8, chuyên gia Brilliant cho biết tin tốt là các loại vắc xin đều có khả năng chống lại biến chủng Delta.
Tuy nhiên, ông Brilliant lưu ý rằng hiện mới chỉ có 15% dân số thế giới được tiêm chủng, trong khi vẫn còn hơn 100 quốc gia có tỷ lệ dân số được tiêm chủng ở mức dưới 5%. Chuyên gia này cho rằng thế giới vẫn còn một chặng đường dài trước khi kết thúc đại dịch.
"Trừ khi chúng ta tiêm chủng cho người dân ở hơn 200 quốc gia, nếu không sẽ vẫn có những biến chủng mới xuất hiện", ông Brilliant nói, đồng thời dự đoán virus SARS-CoV-2 cuối cùng sẽ trở thành một loại "virus vĩnh viễn" như bệnh cúm.
Chuyên gia Brilliant cho biết các mô hình của ông về đợt bùng phát dịch Covid-19 ở San Francisco và New York (Mỹ) dự báo một "đường cong dịch bệnh hình chữ V ngược". Ông giải thích điều đó có nghĩa là số ca nhiễm sẽ tăng rất nhanh, nhưng cũng sẽ giảm nhanh chóng.
Theo ông Brilliant, nếu dự đoán trên trở thành sự thật, điều đó có nghĩa là biến chủng Delta sẽ lây lan nhanh đến mức "về cơ bản không còn vật chủ" để lây nhiễm. Mô hình này có vẻ tương tự những gì đã xảy ra ở Anh và Ấn Độ, nơi sự lây lan của biến chủng Delta đã giảm sau khi tăng cao kỷ lục.
Theo số liệu thống kê do cơ sở dữ liệu trực tuyến Our World in Data tổng hợp, số ca nhiễm mới hàng ngày ở Anh đã giảm từ mức kỷ lục khoảng 47.700 ca vào ngày 21/7 xuống còn khoảng 26.000 ca vào ngày 5/8. Tại Ấn Độ, số ca nhiễm mới hàng ngày duy trì ở mức dưới 50.000 ca kể từ cuối tháng 6, thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục hơn 390.000 ca một ngày hồi tháng 5.
Nhà dịch tễ học cho biết khả năng xuất hiện một "siêu biến chủng" với khả năng kháng mọi loại vắc xin là rất thấp, tuy nhiên không thể loại trừ khả năng này.
"Nếu điều đó xảy ra, đó sẽ là một thảm họa. Do đó, chúng ta phải làm mọi thứ có thể để ngăn chặn viễn cảnh này. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi người phải tiêm vắc xin, không chỉ là những người hàng xóm của bạn, những người trong gia đình của bạn hay đất nước của bạn, mà là cả thế giới", ông Brilliant nói.
Một số quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao như Mỹ và Israel đang lên kế hoạch tiêm vắc xin tăng cường cho người dân, trong khi những quốc gia khác như Haiti gần đây mới nhận được lô vắc xin đầu tiên. WHO đã kêu gọi các quốc gia giàu có ngừng triển khai tiêm vắc xin tăng cường để các quốc gia thu nhập thấp có cơ hội tiêm vắc xin cho người dân của họ.
Tuy nhiên, ngoài việc tăng cường tiêm vắc xin ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp, ông Brilliant cho biết nhóm đối tượng cần tiêm nhắc lại "ngay lập tức" là những người trên 65 tuổi và những người đã được tiêm chủng đầy đủ hơn 6 tháng trước nhưng có hệ miễn dịch yếu.
"Đây là nhóm người mà chúng tôi nhận thấy tạo ra nhiều đột biến khi virus xâm nhập vào cơ thể họ. Vì vậy, theo tôi, những người đó nên được tiêm liều thứ 3, tức là một mũi nhắc lại, ngay lập tức. Việc này cần triển khai nhanh chóng tương tự việc phân phối vắc xin đến những quốc gia không có nhiều cơ hội mua hoặc tiếp cận vắc xin", ông Brilliant cho biết.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/chuyen-gia-my-neu-ly-do-dai-dich-covid19-se-khong-som-ket-thuc-20210809220702021.htm