Số người giàu ở Mỹ từ bỏ quốc tịch, chuyển sang nước ngoài sinh sống tăng kỷ lục do các chính sách thuế.
Những chính sách liên quan đến thuế là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người Mỹ từ bỏ quốc tịch (Ảnh: Sputnik).
Hãng tin Sputnik dẫn khảo sát quý của Cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS) cho biết, số người Mỹ có tài sản trên 2 triệu USD từ bỏ quốc tịch trong năm 2020 là 6.707 người, cao nhất từ trước đến nay và tăng 237% so với năm 2019. Họ là những người lựa chọn từ bỏ quốc tịch hoặc từ bỏ thẻ thường trú nhân (Thẻ xanh).
Ước tính, hiện khoảng 9 triệu người Mỹ sinh sống ở nước ngoài, trong đó, tỷ lệ công dân Mỹ từ bỏ quốc tịch có xu hướng tăng mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Thời báo phố Wall (WSJ) dẫn dữ liệu của Cơ quan Đăng ký Liên bang Mỹ cho biết, gần 37.000 người Mỹ đã từ bỏ quốc tịch kể từ năm 2010. Theo WSJ, nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng từ bỏ quốc tịch này có thể là do Đạo luật Thuế Tài khoản Nước ngoài (FATCA) - đạo luật được Mỹ ban hành từ năm 2010 nhằm ngăn chặn hành vi trốn thuế và tài trợ cho các nhóm khủng bố. Đạo luật này yêu cầu các định chế tài chính, dù không phải của Mỹ, cũng cần xác định khách hàng người Mỹ của họ với IRS.
Một khảo sát với người Mỹ sống ở nước ngoài được công bố đầu năm nay cho thấy, khoảng 4% nói rằng họ có ý định bỏ quốc tịch Mỹ, 18% nói họ đang "nghiêm túc xem xét", 42% nói "không loại trừ khả năng" này. Khoảng 36% người khảo sát nói họ sẽ không bao giờ nghĩ đến từ bỏ quốc tịch Mỹ.
Về lý do khiến ngày càng nhiều người Mỹ từ bỏ quốc tịch, 42% người nói rằng do các yêu cầu khắt khe của Mỹ về khai báo thuế, 12% nói do liên quan đến hôn nhân, 10% không hài lòng với các chính sách của Mỹ, 7% nói do họ gặp khó khăn khi làm việc với các ngân hàng nước ngoài.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/nguoi-giau-bo-quoc-tich-my-tang-vot-20210808140450401.htm