Quy định mới của Pháp bắt buộc nhân viên y tế phải tiêm chủng và chỉ những người đã tiêm đầy đủ hoặc có giấy xét nghiệm âm tính mới được đến các điểm công cộng như nhà hàng và rạp chiếu phim.
Người Pháp xuống đường biểu tình tại Paris phản đối các biện pháp mới được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố nhằm phòng chống dịch ngày 17/7 (Ảnh: Reuters).
Ngày 17/7, hàng trăm nghìn người đã xuống đường biểu tình trên khắp nước Pháp để phản đối các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 mới ban hành của chính phủ Tổng thống Emmanuel Macron, trong đó có quy định bắt buộc nhân viên y tế tiêm vắc xin và chỉ những người đã tiêm vắc xin đầy đủ hoặc có giấy xét nghiệm âm tính mới được đến các địa điểm công cộng như nhà hàng và rạp chiếu phim…
Bộ Nội vụ Pháp cho biết khoảng 110.000 người đã tham gia 137 cuộc biểu tình trên khắp cả nước, trong đó quy mô lớn nhất là ở thủ đô Paris với 18.000 người xuống đường.
Làn sóng biểu tình bùng nổ khi sau khi Tổng thống Macron thông báo ban hành một loạt các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ hôm 12/7, trong bối cảnh biến chủng Delta đang đe dọa thành quả cuộc chiến chống dịch của Pháp. Đề cập đến xu hướng số ca mắc Covid-19 đang tăng mạnh, nhà lãnh đạo này cũng hối thúc người dân Pháp đi tiêm vắc xin với tuyên bố: "Vắc xin là vũ khí duy nhất để đẩy lùi Covid -19 lúc này".
Trong kế hoạch tiêm chủng mới, các nhân viên y tế, gồm cả những người làm việc trong các viện dưỡng lão, là những đối tượng bắt buộc phải tiêm vắc xin và hạn chót là phải trước ngày 15/9. Thậm chí, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran nhấn mạnh, bất kỳ nhân viên y tế nào từ chối tiêm vắc xin, họ sẽ không nhận được lương hoặc bị nghỉ việc sau ngày 15/9.
Những người biểu tình nói rằng chính phủ đang áp đặt chính sách độc đoán và các hashtag đang "càn quét" trên mạng xã hội Twitter ở Pháp để phản đối các quy định mới của chính phủ.
Tham gia các cuộc biểu tình còn những người "áo vest vàng" đang tìm cách hồi sinh phong trào chống chính phủ. Hồi đầu tuần này, cảnh sát phải sử dụng hơi cay để giải tán các cuộc biểu tình nhỏ hơn.
"Mọi người đều có quyền quyết định về cơ thể của chính mình. Không có lý nào mà một tổng thống có quyền quyết định về sức khỏe của chính tôi", Reuters dẫn lời một người biểu tình ở Paris nói.
Tranh cãi về "hộ chiếu Covid-19"
Một cuộc biểu tình ở Lille, phía bắc nước Pháp ngày 17/7 (Ảnh: AP).
Quy định làm bùng lên tranh cãi gay gắt nhất là việc áp dụng "hộ chiếu Covid-19".
Kể từ khi ban hành quy định mới, một số lượng kỷ lục người Pháp đã đặt lịch hẹn đi tiêm vắc xin. Tính đến chiều 13/7, hơn 1,7 triệu người đặt lịch tiêm, hầu hết trong số họ dưới 35 tuổi, theo người đứng đầu trang web đặt lịch Doctolib. Trên Twitter, Thủ tướng Jean Castex thông báo đã tiêm 792.000 liều trong ngày 13/7, một con số kỷ lục mới.
Tính đến ngày 17/7, khoảng 35 triệu người dân Pháp (55,5%) đã tiêm một liều vắc xin và 44,8% đã được tiêm đầy đủ.
Theo đó, mã QR điện tử hay giấy chứng nhận kết quả âm tính hoặc tiêm vắc xin đầy đủ hoặc mới khỏi sau khi mắc Covid-19, sẽ là yêu cầu bắt buộc đối với các hoạt động tại quán bar, nhà hàng, quán cà phê, trung tâm mua sắm, bệnh viện và các phương tiện giao thông như máy bay, tàu hỏa từ tháng 8 tới. Điều này có nghĩa là, những người không thể chứng minh có kết quả âm tính trong vòng 48 giờ với Covid-19 hoặc đã tiêm đẩy đủ sẽ bị cấm đến những nơi này.
Những người chỉ trích cho rằng, những quy định mới này là vi phạm nhân quyền và phân biệt đối xử.
Tuy nhiên, chính phủ Pháp bảo vệ các quy định mới này với lý do số ca bệnh do biến chủng Delta đang gia tăng nguy hiểm. Sau khi giảm từ hơn 42.000 ca mỗi ngày vào giữa tháng 4 xuống dưới 2.000 ca mỗi ngày vào cuối tháng 6, số ca nhiễm mới ở Pháp tăng trở lại với gần 11.000 ca mỗi ngày.
Đến thăm một trung tâm ở Anglet, tây nam nước Pháp, Thủ tướng Jean Castex cho biết tiêm vắc xin - hiện không phải là quy định bắt buộc đối với người dân - là cách duy nhất để ngăn đại dịch.
Bất chấp làn sóng biểu tình rầm rộ, theo thăm dò của Ipsos-Sopra Steria được công bố hôm 16/7, hơn 60% người Pháp đồng ý với quy định tiêm chủng bắt buộc với nhân viên y tế, cũng như yêu cầu phải có "hộ chiếu Covid-19" ở một số nơi công cộng.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/phap-bung-no-bieu-tinh-vi-quy-dinh-moi-ve-ho-chieu-covid19-20210718162546672.htm