Thông qua các cuộc tập trận này, Washington cho thấy Mỹ có thể làm gì nếu xảy ra khủng hoảng hay xung đột ở eo biển Đài Loan hoặc biển Hoa Đông.
Xe đổ bộ lội nước của Úc trong một cuộc tập trận chung với Mỹ
Tuần qua, Mỹ cùng với Úc, Nhật Bản và 8 quốc gia tiến hành cuộc tập trận chung ở Úc. Đây là sự kiện mang tính biểu tượng và quan trọng đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) trong bối cảnh Trung Quốc đang có nhiều hoạt động gây quan ngại ở eo biển Đài Loan và vùng biển Hoa Đông.
Đầu tiên là lực lượng tham gia bao gồm 3 trong 4 thành viên của “Bộ tứ kim cương (Mỹ - Nhật - Úc - Ấn Độ) và Canada, New Zealand, Hàn Quốc, Anh tham gia phần chính. Các nước quan sát viên là Ấn Độ, Đức, Indonesia, Pháp. Lực lượng tham dự này mang bóng dáng của “Bộ tứ kim cương” mở rộng - phần cốt lõi trong chiến lược Indo-Pacific do Mỹ tiên phong.
Thứ hai, mục đích của cuộc tập trận này là “được thiết kế để kiểm tra các lực lượng tương ứng” trong việc lập kế hoạch và tiến hành các hoạt động của lực lượng đặc nhiệm liên hợp cũng như khả năng sẵn sàng chiến đấu và khả năng tương tác, cải thiện hoạt động quân sự chung để tái chiếm các đảo như quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Thứ ba, hiện tại, Mỹ đang trình bày các kịch bản trường hợp thử nghiệm để chỉ ra loại can thiệp nào mà nước này có thể thực hiện trong các tình huống khác nhau.
Thông qua các cuộc tập trận này, Washington cho thấy Mỹ có thể làm gì nếu xảy ra khủng hoảng hay xung đột ở eo biển Đài Loan hoặc biển Hoa Đông.
Vì thế, nếu Trung Quốc càng leo thang căng thẳng, thì khả năng phòng thủ của “Bộ tứ kim cương” mở rộng sẽ càng được thể chế hóa ở Indo-Pacific.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/the-gioi/cuoc-tap-tran-ran-de-trung-quoc-1416090.html