Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo thế giới đang ở giai đoạn đầu của làn sóng Covid-19 thứ 3
Cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) dự kiến diễn ra theo hình thức trực tuyến trong ngày 16-7. Sự kiện do Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern chủ trì này nhằm thảo luận cách thức ứng phó khẩn cấp của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối với cuộc khủng hoảng Covid-19 và hỗ trợ kinh tế toàn cầu hồi phục.
Nhận lời mời của Thủ tướng Ardern, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự cuộc họp cùng với nhiều nhà lãnh đạo khác, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long...
Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết trong lần đầu tiên tham dự sự kiện với nhiều nhà lãnh đạo APEC, đặc biệt là với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á, Tổng thống Biden "sẽ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khu vực, cũng như tầm nhìn của ông về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Ngoài ra, ông Biden sẽ chia sẻ với các nhà lãnh đạo APEC về những gì nước Mỹ đang thực hiện nhằm hỗ trợ khu vực đối phó đại dịch Covid-19.
Một học sinh được tiêm vắc-xin Covid-19 tại thủ đô Jakarta - Indonesia hôm 15-7 Ảnh: Reuters
Theo truyền thông New Zealand, một nội dung quan trọng của cuộc họp là cải thiện hợp tác về vắc-xin Covid-19, trong đó có việc đẩy nhanh triển khai vắc-xin để khống chế các biến thể lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Ardern dự kiến kêu gọi tăng cường nguồn lực cho cơ chế COVAX, ra đời nhằm bảo đảm phân phối vắc-xin công bằng nhưng đang gặp khó về nguồn cung cho các nước có thu nhập thấp. Phát biểu tại Viện Các vấn đề quốc tế New Zealand trước thềm hội nghị, bà Ardern cho rằng kinh tế thế giới chỉ có thể hồi phục đầy đủ khi người dân của tất cả các nước được tiêm chủng và dịch bệnh được khống chế.
Theo tờ New Zealand Herald, nhà lãnh đạo này cũng ủng hộ đề xuất thiết lập một hiệp ước đại dịch vì tin rằng bước đi này sẽ cải thiện khả năng phát hiện sớm và ứng phó nhanh chóng các nguy cơ y tế mới, đồng thời củng cố vai trò của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lên tiếng cảnh báo thế giới đang ở giai đoạn đầu của làn sóng Covid-19 thứ 3 giữa lúc biến thể Delta hiện có mặt tại hơn 111 quốc gia và sẽ sớm trở thành chủng trội trên thế giới.
Một xu hướng đáng lo khác được ghi nhận vào tuần rồi là số người tử vong vì Covid-19 bắt đầu tăng trở lại sau 10 tuần giảm. Nhân dịp này, ông Tedros không quên chỉ trích tình trạng phân phối vắc-xin Covid-19 thiếu công bằng trên toàn cầu, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi của WHO về việc tất cả quốc gia tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số nước mình vào tháng 9, ít nhất 40% vào cuối năm 2021 và ít nhất 70% vào giữa năm 2022.
Tín hiệu tích cực
Tiến độ cung cấp vắc-xin Covid-19 đang được đẩy nhanh, làm dấy lên hy vọng tỉ lệ tiêm chủng sẽ tăng, từ đó giúp giảm bớt tốc độ lây lan của biến thể Delta. Trong 2 ngày 11 và 15-7, Indonesia đã nhận được tổng cộng 4,5 triệu liều vắc-xin của hãng Moderna (Mỹ).
Ngoài ra, quốc gia đang là tâm dịch Covid-19 của châu Á này còn nhận 11,7 triệu liều vắc-xin thông qua cơ chế COVAX cho đến nay. Trong khi đó, theo AP, Philippines dự kiến nhận tổng cộng 16 triệu liều trong tháng 7, trong đó có 3,2 triệu liều từ Mỹ trong tuần này. Riêng Nhật Bản đang gửi 11 triệu liều đến một số nước thông qua COVAX trong tháng này.
Theo Hoàng Phương/ NLĐ
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/apec-no-luc-ung-pho-covid-19-20210715205941667.htm