Cùng với Mỹ, Nhật Bản đang tăng cường hợp tác với các đảo quốc Thái Bình Dương - khu vực mà Trung Quốc cũng không ngừng gây ảnh hưởng để xây dựng mạng lưới “tiền đồn”.
Thủ tướng Nhật Suga tham gia Hội nghị Lãnh đạo các đảo Thái Bình Dương lần thứ 9 diễn ra vào hôm qua. ẢNH: KYODO
Tối qua (2.7), Kyodo News đưa tin Nhật Bản đã quyết định viện trợ 3 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 cho các đảo quốc Thái Bình Dương. Số vắc xin viện trợ bắt đầu được chuyển tới từ giữa tháng 7 và thông qua chương trình COVAX của LHQ.
“Chia lửa” với đồng minh
Lâu nay, Mỹ và Úc là 2 quốc gia tiên phong cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực nam Thái Bình Dương. Nhưng giờ đây thì Nhật đẩy mạnh hoạt động cùng 2 thành viên trên của “bộ tứ kim cương” (Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ).
Washington lo ngại thông tin Bắc Kinh xây hầm tên lửa
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 2.7 bày tỏ lo ngại về thông tin Trung Quốc đang xây 119 hầm phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (silo) mới. Thông tin do một trung tâm nghiên cứu tại Mỹ phân tích ảnh vệ tinh phát hiện và được tờ The Washington Post đăng tải. Theo đó, các công trình mới tại tỉnh Cam Túc có cấu trúc tương tự như những silo hiện có của Trung Quốc.
Vi Trân
Nhật đưa ra quyết định viện trợ vắc xin khi tham gia Hội nghị Lãnh đạo các đảo Thái Bình Dương lần thứ 9, diễn ra dưới hình thức trực tuyến vào hôm qua. Hội nghị có sự tham gia của 14 đảo quốc Thái Bình Dương cùng với Úc, New Zealand, Nhật và 2 xứ hải ngoại thuộc Pháp là Polynesia và New Caledonia.
Trước khi hội nghị diễn ra, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga ngày 29.6 có cuộc điện đàm riêng với 6 lãnh đạo của 6 đảo quốc Thái Bình Dương nhằm kêu gọi sự hợp tác của các đảo quốc này trong nỗ lực của Nhật Bản nhằm hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) tự do và rộng mở. Đây cũng chính là chiến lược cơ bản mà “bộ tứ kim cương” đang theo đuổi. Chính vì thế, việc Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương có thể được xem như cách Tokyo “chia lửa” cùng đồng minh trong “bộ tứ” tại khu vực này, vốn đóng vai trò quan trọng chuyển tiếp ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Đối trọng với các khoản đầu tư của Trung Quốc
Trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (thuộc Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) đánh giá: “Nhật Bản nhận thấy các đảo quốc nam Thái Bình Dương là khu vực quan trọng về ngư nghiệp và tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác và là nơi so kè địa chính trị giữa Trung Quốc và các đối thủ”.
Mỹ - Nhật tập trận chung quy mô lớn
Theo NHK, Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản (JGSFD) và quân đội Mỹ đang tổ chức một trong những cuộc tập trận chung lớn nhất. Cuộc tập trận diễn ra trên khắp nước Nhật từ ngày 1 - 9.7 với sự tham gia của 3.000 quân nhân. NHK nhận định cuộc tập trận được tổ chức để thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước, đặc biệt nhắm đến Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường hoạt động ở biển Hoa Đông. Tham mưu trưởng JGSFD Yoshida Yoshihide và chỉ huy lực lượng Mỹ tại Nhật Bản Joel Vowell vào ngày 1.7 đã thị sát cuộc tập trận này.
Các bệ phóng và radar cho hệ thống tên lửa đánh chặn PAC3 của Mỹ đã được đưa từ căn cứ không quân Mỹ Kadena ở tỉnh Okinawa tới đảo Amami Oshima ở tỉnh Kagoshima. Đây là lần đầu tiên tên lửa đánh chặn của quân đội Mỹ được triển khai ở Amami Oshima. Các binh sĩ tập trận đã mô phỏng một lần phóng tên lửa và xác nhận các bước tiếp theo.
Đông A
“Lời kêu gọi của Thủ tướng Suga đối với các đảo quốc Thái Bình Dương nhằm nhấn mạnh sự hỗ trợ của Tokyo đối với khu vực. Tokyo hướng tới mục tiêu củng cố mối quan hệ sâu sắc hơn thông qua tăng cường hợp tác ngoại giao và cung cấp các giải pháp thay thế cho các khoản đầu tư của Trung Quốc trong khu vực”, PGS-TS Nagy phân tích và cho rằng: “Nhật có thể sẽ hợp tác với Úc và New Zealand vì đây là 2 nước có ảnh hưởng mạnh mẽ trong khu vực. Các đảo ở Thái Bình Dương có thể được hưởng lợi từ sự quan tâm gia tăng của Nhật Bản và các nước khác nhằm tăng cường đầu tư và định hình các ưu tiên cho sự tham gia của khu vực”.
Bắc Kinh gặp khó
Liên quan khu vực này, cuối năm 2019, tờ The Australia Financial Review đưa tin đảo quốc Solomon đã ký kết thỏa thuận với một tập đoàn của Trung Quốc là China Sam để phát triển đảo Tulagi. Đảo này được đánh giá là rất có tiềm năng phát triển một cảng nước sâu, nên có thể mở đường cho Trung Quốc xây dựng một căn cứ quân sự ở Solomon, góp phần hình thành một cứ điểm mới cho Bắc Kinh ở nam Thái Bình Dương.
Trước đó, tờ The Sydney Morning Herald đã đưa tin một đảo quốc Thái Bình Dương khác là Vanuatu đã cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự tại đây.
Cả Vanuatu lẫn Solomon đều nằm trên tuyến hàng hải kết nối Mỹ với Úc. Vì thế, nếu phát triển các căn cứ quân sự tại khu vực này, Trung Quốc có thể theo dõi được các động thái phối hợp giữa hải quân hai nước Mỹ và Úc. Một số nguồn tin khác cho rằng Bắc Kinh đang tiếp tục tìm kiếm cơ sở ở nhiều đảo quốc khác ở nam Thái Bình Dương.
Thế nhưng, từ năm ngoái, Trung Quốc dần gặp khó trong việc tăng cường ảnh hưởng đối với các đảo quốc Thái Bình Dương. Đầu tháng 1.2021, bất chấp việc bị Trung Quốc gây áp lực kinh tế, ông Surangel Whipps Jr., tân Tổng thống Palau, đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc muốn “bắt nạt” các nước nhỏ. Không những vậy, vào năm 2020, Palau còn đề nghị cho phép Mỹ mở căn cứ quân sự tại đây. Đề nghị được đưa ra khi lãnh đạo Lầu Năm Góc hồi tháng 8.2020 đã có chuyến công du đến Palau.
Đến tháng 4.2021, trả lời phỏng vấn tờ The Telegraph, Tổng thống Palau cho hay nước này cần ủng hộ các đồng minh, khi Bắc Kinh gia tăng ý đồ đưa ra các yêu sách đối với lãnh thổ và những vùng biển giàu nguồn năng lượng ở Indo-Pacific. Thậm chí, ông còn mời nhóm tác chiến tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth thăm Palau khi có chuyến ra khơi đến Thái Bình Dương.
Cũng vào tháng 1.2021, Úc lên kế hoạch cam kết cung cấp vắc xin Covid-19 cho các nước láng giềng ở Thái Bình Dương vào năm 2021. Cam kết này thuộc gói hỗ trợ 500 triệu AUD nhằm mục tiêu đảm bảo người dân trong khu vực được tiêm chủng đầy đủ. Canberra cũng đã ký thỏa thuận “mang tính bước ngoặt” với Fiji, một trong những quốc gia đông dân nhất trong khu vực, cho phép hai bên triển khai lực lượng và tập trận quân sự chung.
Các động thái phối hợp của “bộ tứ kim cương” đang kéo các đảo quốc Thái Bình Dương ngày càng rời xa Trung Quốc hơn.
Theo Hoàng Đình/Thanh niên
https://thanhnien.vn/the-gioi/nhat-ngan-chan-trung-quoc-vuon-voi-o-nam-thai-binh-duong-1408028.html