Các hãng dược liên tục công bố kết quả thí nghiệm lâm sàng xác nhận nhiều loại vắc xin Covid-19, dù được phê chuẩn từ trước khi biến chủng Delta xuất hiện, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả đối với loại biến chủng này.
Indonesia đẩy mạnh tiêm chủng trước làn sóng dịch gia tăng
Lần đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ trong năm nay, biến chủng Delta là mối đe dọa mới nhất đối với nỗ lực dập dịch Covid-19 của toàn cầu, hiện có mặt tại ít nhất 92 quốc gia và vùng lãnh thổ. WHO liệt biến chủng Delta vào nhóm gây quan ngại, cùng với các biến chủng Alpha (Anh), Beta (Nam Phi) và Gamma (Brazil).
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo biến chủng mới chứng tỏ năng lực lây lan mạnh hơn (tăng 60% so với biến chủng Alpha) và gây bệnh nặng hơn (cao gấp 2,6 lần), đặc biệt cho những người chưa tiêm vắc xin, theo báo USA Today. Dựa trên các nghiên cứu, biện pháp bảo vệ hiệu quả là tiêm đủ mũi vắc xin.
Phải tiêm đủ
Cơ quan Y tế công cộng Anh tháng 5 công bố kết quả thí nghiệm lâm sàng cho thấy tiêm đủ 2 mũi vắc xin của liên danh Pfizer/BioNTech mang đến hiệu quả 88% bảo vệ trước biến chủng Delta, đồng thời ngăn chặn nguy cơ nhập viện và tử vong. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng phát hiện tiêm 1 mũi vắc xin Pfizer/BioNTech chỉ mang đến công hiệu 33%, theo báo The Guardian.
Bên cạnh đó, Moderna ngày 29.6 công bố kết quả nghiên cứu ban đầu xác nhận vắc xin của hãng có hiệu quả trước các biến chủng của SARS-CoV-2, bao gồm biến chủng Delta. Dù báo cáo vẫn chưa được bình duyệt, cổ phiếu của Moderna đã tăng hơn 6% giá trị trong phiên giao dịch cùng ngày.
Tại Nga, ông Denis Logunov, Phó giám đốc Viện Gamaleya ở Moscow, cho biết vắc xin Sputnik V mang đến hiệu quả bảo vệ khoảng 90% trước biến chủng Delta. Theo Thông tấn xã TASS, các chuyên gia Nga đã rút ra số liệu trên sau khi phân tích dữ liệu y tế và số người tiêm vắc xin. Thậm chí kết quả khảo sát ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) lại cho thấy hiệu lực lên đến 97,8%, dựa vào ít nhất 81.000 trường hợp tiêm vắc xin của Nga ở nước này. Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga cho hay Bộ Y tế UAE đã xác nhận số liệu trên.
Hiện chưa có thông tin chi tiết về hai dòng vắc xin của Trung Quốc là Sinopharm và CoronaVac (của Hãng Sinovac).
Hiệu quả kéo dài
Chuyên san Nature cũng đăng tải báo cáo mới cho thấy các vắc xin Pfizer/BioNTech và Moderna đã tạo ra khả năng miễn dịch kéo dài, hứa hẹn có thể bảo vệ con người trước dịch Covid-19 trong nhiều năm. Đáng lưu ý, hai dòng vắc xin trên đều thuộc nhóm vắc xin mRNA, hoạt động theo cơ chế huấn luyện các tế bào người tạo ra protein kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể. Điều đó có nghĩa là những người tiêm vắc xin mRNA có thể không cần liều tăng cường, trừ khi vi rút đột biến mạnh.
Đối với những người khỏi bệnh Covid-19 và được tiêm vắc xin sau đó, báo cáo cho rằng có lẽ không cần tiêm mũi tăng cường cho nhóm này ngay cả khi xuất hiện biến chủng mới. Hiện chưa có thông tin về hiệu quả của vắc xin Johnson & Johnson trước biến chủng Delta, nhưng báo cáo dự đoán hiệu lực của dòng vắc xin này sẽ ngắn hơn, theo báo The New York Times.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/the-gioi/vac-xin-hieu-qua-truoc-bien-chung-delta-1406854.html