Biến chủng Delta gây Covid-19 đang lây lan mạnh trên toàn cầu và có nguy cơ xóa đi thành quả chống dịch nếu việc tiêm vắc xin không được đẩy nhanh.
Một điểm tiêm chủng tại Phuket, Thái Lan
Theo thống kê, tính đến hôm qua, biến chủng Delta đã xuất hiện tại ít nhất 92 nước và được coi là mối đe dọa tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Biến chủng Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ, có khả năng lây lan mạnh hơn 60% so với biến chủng Alpha được phát hiện đầu tiên tại Anh. Theo tờ The Guardian, nghiên cứu của giới chức y tế Úc cho thấy biến chủng Delta có thể lây nhiễm khi người bệnh và người không bệnh đi lướt qua nhau trong một khu mua sắm trong nhà trong chỉ 5 - 10 giây.
Giáo sư Catherine Noakes, thành viên Nhóm cố vấn khoa học tình trạng khẩn cấp cho chính phủ Anh, cho rằng một người có thể bị nhiễm Covid-19 nếu đứng gần người bệnh vài giây, nếu vô tình hít phải lượng vi rút mà người bị nhiễm thở ra.
Tại Anh, biến chủng Delta hiện chiếm 99% tổng số ca nhiễm mới trong khi tại Mỹ, tỷ lệ này đang tăng lên và giới chuyên gia y tế cảnh báo các đợt bùng phát mạnh có thể sẽ xảy ra tại nhiều vùng, đặc biệt là các bang có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp ở miền nam.
LA Times đưa tin tại California, biến chủng Delta chiếm 14,5% số ca nhiễm mới trong tháng 6, so với chỉ 4,7% trong tháng 5.
Nhà vi rút học Stephen Griffin tại Đại học Leeds (Anh) cho rằng các nước phải đẩy nhanh chương trình tiêm chủng và siết chặt các biện pháp phòng ngừa nếu không muốn để biến chủng Delta trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn.
Ông Griffin đưa ra kịch bản lý tưởng là “xây dựng bức tường vắc xin” trước khi đối diện với các biến chủng mới, vì khi đó ngay cả khi dịch bùng phát cũng không thể lây lan trên diện rộng.
Tại Úc, giới chức y tế bang New South Wales ngày 28.6 cho biết trong số 30 người dự buổi tiệc sinh nhật tại vùng ngoại ô Sydney hôm 19.6, có 6 người không bị nhiễm Covid-19 và cả 6 người này đều đã tiêm vắc xin trong khi toàn bộ những người còn lại thì không, theo Đài ABC.
Nghiên cứu tại Anh cho thấy 2 tuần sau khi tiêm liều Pfizer/BioNTech thứ hai, độ hiệu quả trong việc ngăn chặn triệu chứng với biến chủng Delta là 88%, trong khi vắc xin AstraZeneca là 67%. Con số chỉ là 36% với Pfizer/BioNTech và 30% với AstraZeneca nếu chỉ tiêm một liều, 4 tuần sau khi tiêm. Tuy nhiên, độ hiệu quả trong việc ngăn chặn bệnh tình trở nặng đến mức phải nhập viện của 2 loại vắc xin lần lượt là 94% và 71% sau mũi thứ nhất, 96% và 92% sau mũi thứ hai.
Tuy nhiên, một điểm bùng phát do biến chủng Delta xuất hiện gần đây tại Israel và nhà chức trách xác định có một nửa số bệnh nhân là người đã tiêm đủ liều vắc xin Pfizer/BioNTech, theo The Wall Street Journal.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo người tiêm đủ liều vắc xin nên tiếp tục tuân thủ quy định phòng dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn vì họ vẫn có nguy cơ lây nhiễm, trong khi phần lớn dân số thế giới chưa được tiêm và biến chủng Delta đang lây lan nhanh.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/the-gioi/vac-xin-covid-19-chay-dua-doi-pho-bien-chung-delta-1405837.html