Việc cựu Tổng thống Trump nhiễm bệnh nặng khiến Nhà Trắng bất ngờ đến nỗi không kịp báo cho nhóm của cựu Phó Tổng thống Mike Pence về "kế hoạch tuyên thệ" nếu ông Trump không thể tiếp tục công việc.
Cựu Tổng thống Donald Trump tháo khẩu trang trước khi phát biểu tại Nhà Trắng vào tháng 10/2020, sau khi được điều trị khỏi Covid-19 (Ảnh: Reuters).
Theo một cuốn sách dự kiến công bố vào ngày 29/6 với tựa đề: "Kịch bản ác mộng: Đằng sau phản ứng của chính quyền Trump đối với đại dịch Covid-19", nhà xuất bản HarperCollins cho biết, bệnh tình của cựu Tổng thống Donald Trump hồi năm ngoái nghiêm trọng hơn mức Nhà Trắng công bố. Các cố vấn Nhà Trắng nghĩ rằng, việc nhiễm bệnh và được điều trị khỏi Covid-19 sẽ làm thay đổi phản ứng của ông Trump đối với đại dịch Covid-19. Nhưng họ đã nhầm.
Điện thoại của Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar đổ dồn kèm theo yêu cầu khẩn cấp: Liệu ông có thể giúp "ai đó" ở Nhà Trắng đã nhiễm Covid-19 bằng phương pháp điều trị thử nghiệm kháng thể đơn dòng hay không?
Nếu Bộ trưởng Azar lắc đầu, câu hỏi đặt ra là Nhà Trắng sẽ cần phải làm gì để đề nghị trên thành hiện thực? Ông Azar đã phải cân nhắc điều đó.
Đó là ngày 1/10/2020 và phương pháp điều trị trên vẫn đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ phải đưa ra quyết định ngoại lệ để sử dụng thuốc vì mục đích "nhân đạo" vì nó chưa được cấp phép sử dụng.
Sau một lúc, Bộ trưởng Azar nói, "tất nhiên tôi sẽ giúp". Bộ trưởng Azar lúc đó không biết thuốc này sẽ dùng điều trị cho ai, nhưng sau đó ông nhận được tin bệnh nhân là một trong những cố vấn thân cận nhất của Tổng thống Donald Trump: Hope Hicks.
Một thời gian ngắn sau, Ủy viên FDA Stephen Hahn lại nhận được yêu cầu từ một quan chức hàng đầu của Nhà Trắng về một trường hợp đặc biệt, lần này với mức độ khẩn cấp hơn: Liệu ông ấy có thể yêu cầu FDA ký giấy phép điều trị bằng kháng thể đơn dòng cho mục đích "nhân đạo" hay không?
"Không, chúng tôi không thể làm điều đó", Hahn liên tục phản hồi. Nhà Trắng muốn Hahn có câu trả lời trong vòng vài giờ. Ủy viên Hahn lúc đó cũng không biết "người đề nghị cấp thuốc" là ai và ông đã hỏi ý kiến các lãnh đạo FDA. Các quan chức nhấn mạnh, FDA phải đi đúng lộ trình. Hahn chuyển tin nhắn cho Nhà Trắng nhưng sau đó liên tục bị dồn ép phải cắt ngắn lộ trình.
Khi Hahn biết người cần điều trị là Tổng thống, ông thật sự bất ngờ. Lúc đó, ông nói: "Vì Tổng thống nhiễm bệnh mà các bạn muốn chúng tôi bẻ cong các quy tắc hay sao?".
Nhưng FDA phải đưa ra quyết định trong vòng 24 giờ. Giới chức FDA đã nỗ lực để tìm ra loại kháng thể đơn dòng nào phù hợp nhất với thông tin lâm sàng mà họ có, và chọn loại kháng thể từ Regeneron, được gọi đơn giản liệu pháp Regen-Cov.
Trong vòng 5 ngày, từ thời điểm các quan chức Nhà Trắng bắt đầu nỗ lực phi thường để có được loại thuốc điều trị cho Tổng thống Trump cho đến ngày nhà lãnh đạo này trở lại Nhà Trắng đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 của Mỹ.
Trong nhiều tháng trước đó, Tổng thống Trump liên tục phớt lờ và xem nhẹ dịch bệnh, phản đối các khuyến cáo giãn cách xã hội cũng như đeo khẩu trang. Chỉ một tháng trước cuộc bầu cử vào tháng 11/2020, Covid-19 đã giết chết hơn 200.000 người Mỹ.
Tổng thống mắc bệnh nặng, Nhà Trắng quay cuồng
Một tuần trước khi Tổng thống Trump xác nhận nhiễm bệnh, mọi việc diễn biến quay cuồng. Ngày 26/9, ông Trump tổ chức sự kiện lớn tại Nhà Trắng để công bố quyết định chọn bà Amy Coney Barrett cho vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao.
Khách dự đều không đeo khẩu trang. Nhiều sự kiện khác sau đó cũng vậy. Vào thời điểm đó, virus lại bùng phát, nhưng thái độ coi nhẹ dịch bệnh của ông Trump, trong đó có việc không đeo khẩu trang, đã trở thành thông lệ không chính thức của Nhà Trắng.
Một ngày sau sự kiện của Tòa án Tối cao, ông Trump cũng tiếp đón các gia đình quân nhân tại Nhà Trắng. Chỉ một số ít có đeo khẩu trang. Hai ngày sau đó, ông bay đến Cleveland cho cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên với đối thủ đảng Dân chủ lúc đó, ông Joe Biden. Ông Trump có vẻ mệt cả buổi tối hôm đó, và dường như mọi việc càng tồi tệ hơn trong đêm. Các bác sĩ nói ông bị nhiễm Covid-19.
Hầu như 48 giờ sau đó, ông Trump trở bệnh nặng. Vài giờ sau khi thông báo trên Twitter về việc mình và vợ bị nhiễm bệnh, bệnh tình của Tổng thống càng nặng hơn. Ông sốt cao, và lượng ôxy trong máu giảm xuống dưới 94%. Sean Conley, bác sĩ của Nhà Trắng, đã đến chăm sóc Tổng thống bên giường bệnh. Ông Trump đã phải dùng máy thở ôxy.
Các bác sĩ đã tiêm cho Tổng thống một liều gồm hai kháng thể đơn dòng qua tĩnh mạch. Phương pháp điều trị thử nghiệm này từng được Nhà Trắng yêu cầu FDA đăng ký sử dụng trước đó. Ông Trump cũng được tiêm liều đầu tiên của thuốc kháng virus remdesivir. Loại thuốc này đã được phép sử dụng, nhưng không nhiều bệnh nhân được điều trị vì nguồn cung thiếu hụt.
Thông thường, các bác sĩ sẽ từ từ cân nhắc các phương pháp điều trị để đo phản ứng của bệnh nhân. Nhưng các bác sĩ của ông Trump đã vội vã tiêm các loại thuốc cùng một lúc, cho thấy tình hình khá nguy cấp. Tình trạng của ông có vẻ đã ổn định phần nào sau đó, nhưng các bác sĩ vẫn lo sợ ông có thể phải thở máy và quyết định chuyển ông đến bệnh viện. Vào thời điểm đó, việc ở lại Nhà Trắng quá rủi ro.
Nhiều quan chức Nhà Trắng và thậm chí cả những phụ tá thân cận nhất của ông Trump đã được yêu cầu giữ bí mật mọi việc. Nhưng khi thức dậy vào sáng sớm hôm sau, họ không thể ngờ rằng, Tổng thống Trump đã thông báo về tình hình nhiễm bệnh của mình trên Twitter vào lúc gần 1 giờ sáng. Các quan chức nội các và phụ tá đã xếp hàng tại Nhà Trắng để xét nghiệm.
Ngay cả những trợ lý thân cận nhất của Trump cũng không rõ tình hình bệnh của ông như thế nào.
Trên thực tế, tình trạng bệnh của ông Trump trở nên tồi tệ hơn vào sáng thứ Bảy (3/10). Mức ôxy trong máu giảm xuống 93% và ông đã được tiêm steroid dexamethasone mạnh, thường được sử dụng nếu ai đó bị bệnh nặng (mức ôxy trong máu bình thường là từ 95-100%).
Trong suốt thời gian Tổng thống ở bệnh viện, các bác sĩ của ông đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế trong lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Nhà Trắng mà Tổng thống đã giải tán từ lâu. Họ đã nói chuyện với ông Hahn, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Anthony Fauci và Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Robert Redfield, để bàn cách điều trị.
Ông Trump và các trợ lý của ông đã phớt lờ nhiều cảnh báo từ các bác sĩ rằng, họ đang tự đặt mình và mọi người ở Cánh Tây vào tình thế nguy hiểm. Tổng thống Trump lúc đó không muốn đến bệnh viện, nhưng các trợ lý của ông đã đưa ra 2 lựa chọn: nếu đến bệnh viện vào thứ Sáu (2/10) thì ông vẫn có thể tự đi, nếu đến sau ông có thể không đủ sức và phải ngồi trên xe lăn. Khi đó sẽ không thể che giấu tình trạng trước những ống kính dòm ngó của giới săn tin.
Ít nhất hai trong số những người được thông báo tóm tắt về tình trạng sức khỏe của Trump vào cuối tuần đó nói rằng, ông bị nhiễm bệnh nặng và lo sợ rằng ông sẽ không qua khỏi. Những người thân cận với chánh văn phòng của ông Trump, Mark Meadows, nói rằng ông đã lo Tổng thống Trump có thể không qua khỏi.
Nhưng đến chiều 3/10, tình trạng của Trump đã bắt đầu cải thiện. Các nguồn tin thân cận của ông Trump cho biết, ông khỏe lên nhờ được điều trị bằng phương pháp kháng thể đơn dòng từ Regeneron.
Trong suốt ngày hôm đó, ông Trump bồn chồn và liên tục gọi điện thoại để đánh giá việc người dân nhìn nhận thế nào về việc ông nhập viện. Và khi biết được tác dụng của phương pháp kháng thể đơn dòng từ Regeneron, ông Trump tiếp tục đăng trên Twitter từ bệnh viện về sự việc này.
"Đây giống như một phép màu", ông Trump nói với cố vấn chiến dịch tranh cử của mình Jason Miller.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Robert Redfield đã luôn cầu nguyện Tổng thống sẽ bình phục và hy vọng ông chủ Nhà Trắng sẽ thay đổi cách nhìn nhận về đại dịch.
Ông cũng mong Tổng thống Trump sẽ nói với người Mỹ rằng, họ nên lắng nghe các cố vấn y tế cộng đồng trước khi quá muộn. Virus đã bùng phát dữ dội. Các chuyên gia Robert Redfield, Anthony Fauci, Deborah Birx và những người khác cảm thấy bất lực khi cố gắng thuyết phục mọi người phải hành động khác nếu muốn tránh một làn sóng chết chóc kinh hoàng.
Có một vài dấu hiệu cho thấy ông Trump sẽ thay đổi ý định. Nhưng cuối cùng ông vẫn không thay đổi. Tổng thống Trump đã nói về khả năng chiến thắng dịch bệnh. Ông kêu gọi mọi người không sợ virus, nhưng ông không nghĩ đến việc bản thân sẽ như thế nào nếu không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế với các phương pháp điều trị mà hầu hết người Mỹ không có được.
Ông Redfield lúc đó biết rằng mọi chuyện đã kết thúc. Ông Trump cho thấy sẽ không thay đổi. Cách ứng phó với đại dịch cũng sẽ không thay đổi.
Ông Trump đã thất bại trước đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2020. Dù không thừa nhận bất bại bầu cử, ông vẫn phải rời Nhà Trắng ngày 20/1/2021 khi mãn nhiệm.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/tiet-lo-chuyen-nha-trang-tung-quay-cuong-khi-ong-trump-mac-covid19-nang-20210625171519042.htm