Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đối mặt sức ép gia tăng về việc có nên gỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi để hồi sinh Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), còn được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, hay không.
Trong khi các cựu quan chức theo đường lối cứng rắn cùng các nhà phân tích ở Washington phản đối phương án trên, giới chức Iran khẳng định đây là một trong những điều kiện để cứu vãn JCPOA.
Theo Politico, lệnh trừng phạt nhằm vào ông Raisi (được áp dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump với cáo buộc vi phạm nhân quyền) là một trong nhiều vấn đề đang được thảo luận.
Trải qua 6 vòng đàm phán chủ yếu ở thủ đô Vienna - Áo, giới chức Mỹ cho biết mọi chuyện đang tiến triển tốt nhưng cảnh báo việc ông Ebrahim Raisi đắc cử có thể khiến tình hình phức tạp.
Thỏa thuận cuối cùng để hồi sinh JCPOA sẽ phải bao gồm việc Mỹ gỡ bỏ một loạt biện pháp trừng phạt để Iran chấm dứt nhiều hoạt động hạt nhân. Washington còn muốn Tehran cam kết theo đuổi các cuộc đàm phán trong tương lai để hướng đến một thỏa thuận sâu rộng và bền vững hơn.
Đổi lại, Tehran muốn Washington bảo đảm sẽ không đơn phương rút khỏi thỏa thuận như chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump từng làm.
Nếu chính quyền Tổng thống Biden chấp nhận gỡ bỏ nhiều biện pháp trừng phạt để cứu vãn JCPOA, theo giới chuyên gia, họ sẽ thiếu "đòn bẩy cần thiết" để thuyết phục hoặc ép Iran trở lại bàn đàm phán.
Tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi bị chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trừng phạt với cáo buộc liên quan đến nhân quyền Ảnh: REUTERS
Về phần mình, tân Tổng thống Ebrahim Raisi ngày 21-6 yêu cầu Washington "gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt áp bức nhằm vào Iran", đồng thời tuyên bố chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran là "một vấn đề không thể thương lượng".
Nỗ lực đàm phán phi hạt nhân hóa của Mỹ còn gặp một trở ngại khác vào ngày 22-6, khi em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong, cảnh báo sự kỳ vọng về đối thoại sẽ càng khiến Washington thêm thất vọng.
Tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định Triều Tiên đã gửi một tín hiệu đáng chú ý trong bài phát biểu gần đây của lãnh đạo Kim Jong-un về việc Bình Nhưỡng phải chuẩn bị để "đối thoại lẫn đối đầu" với Washington.
Ông Shin Beom-chul, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc gia Hàn Quốc, khẳng định với AP rằng bà Kim Yo-jong dường như ám chỉ Triều Tiên không có ý định quay lại bàn đàm phán trừ khi Mỹ đưa ra những nhượng bộ lớn, như nới lỏng trừng phạt
Theo Cao Lực/ NLĐ
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/tong-thong-joe-biden-tien-thoai-luong-nan-20210622214524892.htm