Lầu Năm Góc xem xét kế hoạch thành lập lực lượng đặc nhiệm hải quân thường trực ở Thái Bình Dương để đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Tàu khu trục USS John S. McCain của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan ngày 4/2/2021 (Ảnh: Hải quân Mỹ).
Politico dẫn hai nguồn tin ngày 15/6 cho biết kế hoạch cũng bao gồm việc xây dựng một chiến dịch quân sự được đặt tên riêng theo khu vực Thái Bình Dương, nhằm cho phép Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phân bổ thêm ngân sách và nguồn lực trong việc đối phó với các vấn đề về Trung Quốc.
Mặc dù các sáng kiến này vẫn chưa được thông qua, nhưng được cho là sẽ tiếp thêm sức mạnh cho lập trường cứng rắn của Tổng thống Joe Biden về Trung Quốc, đồng thời gửi đi tín hiệu rằng chính quyền mới của Mỹ rất nghiêm túc trong việc đối phó với các hoạt động gia tăng sức mạnh quân sự và hành vi gây hấn của Bắc Kinh ở khu vực Thái Bình Dương.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo NATO ngày càng đồng thuận với lập trường đối đầu của Mỹ trước Trung Quốc. 4 năm sau khi cựu Tổng thống Donald Trump coi việc đối phó với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, NATO tuần này tuyên bố Bắc Kinh là một "thách thức an ninh" và cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách "phá hoại trật tự toàn cầu".
Sáng kiến thành lập lực lượng đặc nhiệm hải quân thường trực ở Thái Bình Dương do Nhóm Đặc trách Trung Quốc của Lầu Năm Góc đưa ra. Nhóm này được Tổng thống Biden thành lập hồi tháng 3 nhằm kiểm tra các chính sách và quy trình liên quan đến Trung Quốc của Lầu Năm Góc.
Nhóm đặc trách Trung Quốc do Ely Ratner, người được đề cử làm quan chức phụ trách chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hàng đầu của Lầu Năm Góc dẫn đầu, gần đây đã hoàn thành công việc của mình và trình bày các khuyến nghị cho Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.
Elbridge Colby, cựu quan chức Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Donald Trump, cho biết mặc dù các sáng kiến không phải là "viên đạn bạc" để giải quyết vấn đề Trung Quốc, nhưng những nỗ lực này là dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy Lầu Năm Góc đang thực hiện cam kết chuyển nguồn lực ra khỏi Trung Đông để đáp ứng nhu cầu tại Thái Bình Dương.
"Lực lượng đặc nhiệm và chiến dịch đề xuất đã cho tôi thấy rằng, họ sẽ tăng cường sức mạnh của lực lượng tập trung vào khu vực Tây Thái Bình Dương", ông Colby nói, đồng thời cho biết hiện chưa rõ nếu lực lượng đặc nhiệm mới của Mỹ tập trung vào khu vực Tây Thái Bình Dương, thì sẽ tập trung vào Trung Quốc một cách công khai hay âm thầm.
Theo các nguồn tin, lực lượng đặc nhiệm hải quân mới của Mỹ tại Thái Bình Dương sẽ được xây dựng dựa trên mô hình mà NATO từng triển khai ở châu Âu trước và trong Chiến tranh Lạnh.
Hải đội này là lực lượng phản ứng tức thì, có thể nhanh chóng ứng phó với một cuộc khủng hoảng, nhưng dành phần lớn thời gian hoạt động xung quanh khu vực, tham gia các cuộc tập trận theo kế hoạch và thực hiện các chuyến thăm cảng.
Jerry Hendrix, chuyên gia của hãng tư vấn Telemus Group, cho rằng lực lượng đặc nhiệm hải quân Thái Bình Dương hiệu quả sẽ bao gồm các đồng minh châu Âu của Mỹ như Anh và Pháp - các quốc gia đang tăng cường sự hiện diện hải quân ở Thái Bình Dương, cùng Nhật Bản và Australia.
"Sáng kiến được đề xuất sẽ là một biện pháp răn đe vì thể hiện sự thống nhất trong nỗ lực chống lại các mối đe dọa thái quá của Trung Quốc đối với tự do hàng hải và thương mại thông qua các yêu sách lãnh hải rộng lớn của nước này", chuyên gia Hendrix nhận định.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/my-tinh-lap-doi-hai-quan-dac-biet-nan-gan-trung-quoc-20210616104422716.htm