Quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay khi cả hai liên tục ra đòn trả đũa kinh tế nhằm vào nhau.
Thủ tướng Australia Scott Morrison (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh minh họa: ABC).
Báo SCMP ngày 13/6 đưa tin, trong tuyên bố tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo G7 ở Anh ngày 12/6, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, chính phủ của ông muốn tái khởi động bàn đàm phán thương mại với Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ hai nước đang rất căng thẳng, nhất là sau khi Canberra hứng chịu hàng loạt đòn trả đũa thương mại từ Bắc Kinh.
Theo nội dung thông báo từ Văn phòng Thủ tướng Australia, tại cuộc họp, nhà lãnh đạo này đã nhấn mạnh: "Tất nhiên, chúng tôi muốn tiếp tục đàm phán. Australia luôn sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán và thảo luận về cách thức hợp tác hiệu quả nhất".
Đến với hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7 lần này với tư cách khách mời, Thủ tướng Morrison cũng mong muốn tìm kiếm sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo khác để chống lại cái mà ông gọi là chính sách "cưỡng bức kinh tế". Tại cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson, ông Morrison đã thảo luận về điều mà ông gọi là "các vấn đề cùng quan tâm", bao gồm khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Mối quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh xấu đi nghiêm trọng vào năm 2020 sau khi chính phủ của Thủ tướng Morrison kêu gọi các nhà nhóm độc lập điều tra nguồn gốc của đại dịch Covid-19 và liên tục chỉ trích Trung Quốc về các vấn đề Hong Kong và Tân Cương.
Bắc Kinh đã ra đòn trả đũa thương mại, như áp thuế hơn 200% đối với rượu vang Australia trong 5 năm, bắt đầu từ tháng 3 vừa qua. Trong tuần này, Thủ tướng Morrison cho biết, chính phủ của ông đang đệ đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đề nghị can thiệp giải quyết tranh chấp.
Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh hôm thứ 10/6, Thủ tướng Australia cũng cho biết, "các nhà sản xuất lúa mạch, những người trồng nho trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các lệnh trừng phạt thương mại hoàn toàn bất công này.
Bắc Kinh đã chấm dứt nhập khẩu lúa mạch của Australia vào tháng 5/2020 bằng cách áp thuế hơn 80% đối với loại cây này, với cáo buộc Canberra vi phạm các quy định của WTO khi trợ giá sản xuất lúa mạch và bán ngũ cốc dưới giá trị thị trường. Australia bác bỏ mạnh mẽ các cáo buộc này.
Các đòn trả đũa của Trung Quốc còn "đánh" vào hàng loạt các mặt hàng khác như than đá, thịt bò, và tôm hùm. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rượu vang lớn nhất của Australia trước khi Bắc Kinh áp thuế hơn 200%. Vào năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của các nhà sản xuất rượu vang Australia sang Trung Quốc đạt trị giá gần 1 tỷ AUD (773 triệu USD), chiếm khoảng 40% tổng lượng rượu xuất khẩu.
Theo các nguồn tin, Australia đã nhiều lần nỗ lực liên lạc đề nghị đàm phán lại với Trung Quốc nhưng thất bại. Trong một cuộc phỏng vấn trên Sky News hôm 13/6, Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan còn cho biết, hồi tháng 1, ông đã gửi thư cho người đồng cấp Trung Quốc đề nghị đàm phán "trên tinh thần xây dựng" và "hiện tôi vẫn đang chờ phản hồi".
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/thu-tuong-australia-tuyen-bo-san-sang-dam-phan-voi-trung-quoc-20210614104623021.htm#dt_source=Home&dt_campaign=Box_TheGioi&dt_medium=1