'Không dựa vào Trung Quốc thì sẽ không có vắc xin'? Tình trạng khan hiếm vắc xin của các nước nghèo và thu nhập thấp đang 'dọn cỗ' cho Mỹ và các "ông lớn" G7 làm chuyện... đắc nhân tâm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) hội đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 10-6, trước thềm hội nghị G7 - Ảnh: Reuters
Không khó đoán nội dung chính trị của Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Cornwall (Anh), khi mà hội nghị các ngoại trưởng G7 hồi tháng 5 đã ra thông cáo chung trong đó tiếp tục lên án Nga vụ "sáp nhập" Crimea năm 2014 (dẫn đến việc Nga ra khỏi G7+1 sau đó) cũng như cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Trong bối cảnh đại dịch nhức nhối hiện nay, các nội dung chính trị "muôn thuở" trên ít có ý nghĩa bằng câu hỏi: Các "nước giàu, dư dả vắc xin" này sẽ chia cho các nước nghèo được bao nhiêu liều, khi nhiều nơi ở Mỹ chuẩn bị đổ bỏ vắc xin sắp quá đát?
Những "bắn tiếng" từ Anh rằng G7 sẽ chia sẻ 1 tỉ liều vắc xin COVID-19, đồng thời hỗ trợ tài chính để chấm dứt đại dịch vào năm tới, đang thu hút dư luận thế giới trở lại với nhóm G7, thay vì chao đảo trước hai "ông lớn" khác là Nga và Trung Quốc - vốn tích cực "ngoại giao vắc xin" kể từ đầu năm nay.
Càng bức bách hơn khi 4 tổ chức phụ trách huy động vốn, mua, cung cấp và phân phối vắc xin, gồm: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), Liên minh Toàn cầu về vắc xin (GAVI) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cuối tháng trước từng cảnh cáo sẽ không chỉ thiếu 190 triệu liều vắc xin trong tháng 6 này mà còn thiếu cho tới cuối năm.
Phát biểu của Thủ tướng Campuchia Hun Sen về tình trạng khan hiếm vắc xin "không dựa vào Trung Quốc thì sẽ không có vắc xin" phản ánh tình cảnh tuyệt vọng của các nước nghèo và thu nhập thấp.
Tình hình này đang "dọn cỗ" cho nước Mỹ và các "ông lớn" G7 làm chuyện... đắc nhân tâm. Tất nhiên, để được như vậy, các nước G7 cần giúp vô tư, tỉ như tiết lộ của một quan chức chính quyền ông Biden với Reuters mới đây: "Chúng tôi không áp đặt điều kiện, chính trị, kinh tế hay bất cứ gì khác đối với các nước để trao vắc xin".
Ngoài ra, G7 cũng cần tự chứng tỏ đoàn kết cùng nhau dồn sức tháo gỡ đại dịch như đã từng hợp lực sau khủng hoảng dầu hỏa năm 1973.
Vô tư làm điều thiện thì hữu xạ tự nhiên hương. Chứ đừng vừa giúp vắc xin vừa thả hàng trăm tàu "dân quân", hàng chục máy bay ra biển đe dọa các nước khác.
Theo Danh Đức/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/co-hoi-dac-nhan-tam-cua-g7-20210612023208266.htm