Các nhà lãnh đạo G7 đã cam kết sẽ mở rộng sản xuất, chia sẻ với thế giới ít nhất 1 tỉ liều vắc xin thông qua các cơ chế hiện có và viện trợ song phương. Đây là một trong các nỗ lực của G7 nhằm chấm dứt đại dịch vào năm 2022.
Lãnh đạo G7 tại vịnh Carbis, Anh trước phiên họp toàn thể đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh dài ba ngày - Ảnh: Host TV 2
Lãnh đạo nhóm 7 nước có nền công nghiệp tiên tiến (G7) đã lần đầu tiên gặp trực tiếp vào ngày 11-6, sau gần 2 năm trì hoãn vì COVID-19. Không ngạc nhiên khi hội nghị năm nay bàn về dịch bệnh trước các vấn đề an ninh và đối ngoại truyền thống khác.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chia sẻ một thông tin sốt dẻo tối 10-6 (giờ địa phương), ngay trước thềm thượng đỉnh G7 tổ chức tại Cornwall của Anh từ ngày 11 đến 13-6.
Cam kết 1 tỉ liều vắc xin
Ông Johnson tuyên bố các nhà lãnh đạo của nhóm đã cam kết sẽ mở rộng sản xuất, chia sẻ với thế giới ít nhất 1 tỉ liều vắc xin thông qua các cơ chế hiện có và viện trợ song phương. Theo nhà lãnh đạo Anh, đây là một trong các nỗ lực của G7 nhằm chấm dứt đại dịch vào năm 2022.
1 tỉ liều vắcxin này nhiều khả năng bao gồm 500 triệu liều Pfizer mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết chia sẻ với thế giới hôm 9-6. Nhật Bản, Pháp và Đức - các thành viên của G7 - trước đó đã cam kết mỗi nước sẽ chia sẻ 30 triệu liều vắc xin, trong khi Ý chỉ hứa hẹn 15 triệu liều.
Các nguồn thạo tin của Reuters tiết lộ Canada đang trong quá trình đàm phán chia sẻ vắc xin thông qua cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nên chưa rõ số liều cam kết.
Trong tuyên bố ngày 10-6, Thủ tướng Anh Johnson cho biết thế giới sẽ nhận được ít nhất 100 triệu liều từ Anh, biến nước này trở thành quốc gia đóng góp vắc xin nhiều thứ 2 trong nhóm G7.
"Nhờ sự thành công của chương trình tiêm chủng, Anh đã có vắc xin dư thừa và sẽ chia sẻ một số với những nước đang thực sự cần" - ông Johnson giải thích, đồng thời cho biết khoảng 5 triệu liều sẽ được chuyển đi trong vài tuần tới.
Có khá nhiều lý do khiến Anh và G7 chia sẻ vắc xin cho thế giới, bao gồm một số tính toán chính trị. Thứ nhất, Hội nghị thượng đỉnh G7 đang diễn ra tại Anh, nên với tư cách chủ nhà, London muốn sự kiện năm nay để lại dấu ấn mạnh.
Thứ hai, Anh vừa ra khỏi Liên minh châu Âu và đang thực hiện tầm nhìn "nước Anh toàn cầu" nên cần những minh chứng cho thấy London là một đối tác có trách nhiệm.
Thứ ba, những nước giàu có như Anh và Mỹ đã bị chỉ trích trong gần 1 năm qua vì tích trữ vắc xin, trong lúc các nước nghèo "đỏ mắt" tìm vắc xin. Theo thống kê của Reuters, đã có 2,2 tỉ liều vắc xin COVID-19 được tiêm trên toàn thế giới, trong đó có khoảng 560 triệu liều ở các nước G7.
Cuối cùng, sự nhập cuộc của G7 được xem là câu trả lời của nhóm đối với chính sách "ngoại giao vắc xin" của Nga và Trung Quốc.
Cần nỗ lực toàn cầu
Theo Reuters, các nhà lãnh đạo G7 sẽ có 6 phiên thảo luận chung trong 3 ngày diễn ra hội nghị. Có 3 phiên thảo luận liên quan đến việc khắc phục hậu quả đại dịch và cách giúp thế giới an toàn hơn. Nội dung các phiên thảo luận còn lại gồm chính sách đối ngoại, khí hậu và tự nhiên, các xã hội cởi mở.
Điều đó cho thấy đại dịch COVID-19 chiếm phần quan trọng trong nghị trình của G7. Trong tuyên bố ngày 10-6, Thủ tướng Anh Johnson đã kêu gọi các hãng dược khác "noi gương" Hãng AstraZeneca là không tìm kiếm lợi nhuận từ vắc xin bán trong đại dịch. Lời kêu gọi của ông Johnson khá thiết thực, nhưng G7 có thể làm nhiều hơn thế.
Việc G7 cam kết chia sẻ 1 tỉ liều vắc xin là một tín hiệu tích cực nhưng chưa đủ để chấm dứt đại dịch vào năm 2022 như ông Johnson tuyên bố. Một trong những điều cần sự ủng hộ của nhóm này là tạm dừng việc bảo vệ bản quyền vắc xin COVID-19, để tăng tốc độ sản xuất và tiêm chủng nhằm đối phó với các biến thể virus corona mới.
Hôm 9-6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi "cởi mở về sở hữu trí tuệ" vắc xin COVID-19 và thúc giục các nước khác trong G7 tham gia. Một quan chức Điện Elysée giải thích phát ngôn của ông Macron là một sự ủng hộ với những nước đang kêu gọi tạm dừng bảo vệ bản quyền vắc xin.
Trong số các nước G7, Đức và Anh từ chối việc từ bỏ bản quyền, Ý và Mỹ ủng hộ có giới hạn, trong khi Canada và Nhật Bản tiếp tục giữ lập trường mơ hồ, theo tờ Politico.
Một nhóm các chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc cùng ngày 9-6 cũng viết thư ngỏ kêu gọi các nước giàu không nên biến sở hữu trí tuệ thành trở ngại ngăn cản quyền tiếp cận vắc xin của các nước nghèo.
Với dân số toàn cầu gần 8 tỉ người, thế giới cần ít nhất 11 tỉ liều vắc xin nữa để đạt tham vọng tiêm chủng đầy đủ cho mọi người, theo Reuters.
Việt Nam trong số 92 nước nhận 500 triệu liều vắc xin của Mỹ Mỹ vừa công bố kế hoạch tặng 500 triệu liều vắc xin COVID-19 cho 92 quốc gia nghèo và thu nhập thấp. Trong thông báo ngày 11-6, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội xác nhận Việt Nam nằm trong số 92 quốc gia trên. Theo Hãng tin Reuters, một quan chức không nêu tên của Mỹ cho biết nước này sẽ trả Hãng dược Pfizer khoảng 3,5 tỉ USD để mua 500 triệu liều vắc xin COVID-19. "Mỹ không tìm kiếm trao đổi gì cho các liều vắc xin này. Chúng tôi không đưa ra yêu cầu. Chúng tôi không áp đặt điều kiện, chính trị, kinh tế hay bất cứ gì khác đối với các nước để trao vắc xin" - vị quan chức nói thêm. |
Theo Duy Linh/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/cac-nha-lanh-dao-g7-cam-ket-chia-se-voi-the-gioi-it-nhat-1-ti-lieu-vac-xin-2021061202292924.htm