Giới chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu để đẩy lùi đại dịch Covid-19 có thể thất bại mặc dù các nước giàu đã cam kết cung cấp 150 triệu liều.
Thế giới vẫn thiếu trầm trọng nguồn cung vắc xin Covid-19 dù các nước giàu đã cam kết chia sẻ (Ảnh minh họa: AFP).
Các nước tham gia chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX của Liên Hợp Quốc đã cam kết hỗ trợ 150 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19, nhưng chương trình này vẫn thiếu ít nhất 200 triệu liều nữa.
Ngoài ra, cố vấn cấp cao của WHO Bruce Aylward, một vấn đề đáng lo ngại nữa là mặc dù các nước đã cam kết chia sẻ nhưng chỉ một phần rất thỏ trong đó được chia sẻ trong vòng 3 tháng tới - khoảng thời gian được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch.
"Chúng tôi vẫn chưa có đủ số liều mà các bên cam kết chia sẻ nhằm giúp thế giới thoát đại dịch. Chúng ta sẽ thất bại nếu không nhận được nguồn cung vắc xin sớm. Chúng tôi đã nhận được những cam kết rất tuyệt vời, nhưng thách thức là làm thế nào để triển khai nhanh chóng những cam kết đó để tháng 6, tháng 7 và tháng 8 chúng ta có thể cung cấp vắc xin cho người dân", ông Aylward cảnh báo.
Một trong những cam kết mà ông Aylward đề cập đến là cam kết chia sẻ 80 triệu liều vắc xin của chính phủ Mỹ. Nhà Trắng hôm 3/6 công bố sẽ chia sẻ 80 triệu liều này trong tháng 6 này, trong đó ít nhất 75% số vắc xin sẽ được hỗ trợ thông qua chương trình COVAX, 25% còn lại sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các nước. Đợt chia sẻ đầu tiên sẽ gồm 25 triệu liều, trong đó 19 triệu liều cho COVAX, 6 triệu liều chia sẻ trực tiếp cho các nước.
Trong khi các nước giàu đã đặt mua và nhanh chóng triển khai chương trình tiêm chủng toàn dân, nhiều nơi khác trên thế giới vẫn khó tiếp cận nguồn cung vắc xin trong bối cảnh dịch tái bùng phát nghiêm trọng do sự xuất hiện của các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Giới chức WHO cho hay, việc vận chuyển vắc xin cho châu Phi gần như bị ngưng trệ mặc dù số ca Covid-19 ở khu vực này tăng 20% trong hai tuần trở lại đây. Riêng Nam Phi ghi nhận số ca mắc mới tăng 60% trong tuần trước. Trong khi đó, chương trình tiêm chủng vắc xin ở đây bị trì hoãn. Hơn 1 triệu liều vắc xin Johnson & Johnson vẫn đang kẹt lại tại các nhà máy dược ở Nam Phi sau những lo ngại nhiễm độc tại một nhà máy sản xuất vắc xin ở Mỹ.
Trong một diễn biến khác, Đan Mạch cam kết hỗ trợ hơn 350.000 liều vắc xin AstraZeneca cho Kenya, lô vắc xin này dự kiến hết hạn vào ngày 31/7. Đây là một phần trong 3 triệu liều vắc xin mà Đan Mạch cam kết chia sẻ cho các nước trong năm nay.
Do nguồn cung không ổn định, một số nước bắt đầu nghiên cứu và tính đến việc cho phép dùng các loại vắc xin khác nhau trên cùng một người. Ví dụ, hướng dẫn mới của Cơ quan Y tế công cộng Canada cho phép dùng chung 3 loại vắc xin Covid-19 của AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Moderna mà vẫn đảm bảo hiệu quả phòng bệnh. Cụ thể, những ai đã tiêm mũi đầu vắc xin AstraZeneca có thể chọn Pfizer hoặc Moderna cho mũi thứ hai. Ai đã tiêm mũi đầu là Pfizer/Moderna thì mũi thứ hai có thể chọn Pfizer hoặc Moderna vì hai loại này dùng chung công nghệ mRNA, không được chọn AstraZeneca vì khác công nghệ.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/who-the-gioi-thieu-tram-trong-vac-xin-covid19-20210605100522798.htm