Nhật Bản nhấn mạnh cuộc tập trận chung với Mỹ và Pháp là cơ hội quý giá để nước này củng cố khả năng chiến lược cần thiết nhằm bảo vệ các hòn đảo xa xôi
Khoảng 200 binh sĩ Nhật Bản, Mỹ, Pháp vào cuối tuần rồi tham gia tập trận tại tỉnh Miyazaki trên đảo Kyushu, với nội dung là bảo vệ đảo xa trước sự xâm lược từ bên ngoài. Theo báo South China Morning Post (Hồng Kông), hoạt động này là một phần cuộc tập trận chung 3 bên gọi là "ARC21" diễn ra từ ngày 11 đến 17-5 với nhiều kịch bản diễn tập trên không, đất liền và biển.
Đây là lần đầu tiên quân đội Pháp tham gia tập trận chung ở Nhật Bản, qua đó cho thấy 3 nước trên đang tăng cường quan hệ quân sự giữa lúc Trung Quốc ngày càng quyết đoán tại khu vực. Cũng trong ngày 15-5, Nhật Bản, Mỹ, Pháp và Úc tiến hành cuộc tập trận hải quân ở biển Hoa Đông. Theo một số chuyên gia, việc Pháp tham gia các cuộc tập trận trên nhằm thể hiện thái độ tích cực của mình đối với nhóm Quad (còn gọi là "Bộ tứ" gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ). Vào đầu tháng rồi, Pháp cùng nhóm "Bộ tứ" tiến hành cuộc tập trận hải quân mang tên La Perouse tại vịnh Bengal ở Ấn Độ Dương.
Cuộc tập trận chung Nhật - Mỹ - Pháp tại tỉnh Miyazaki hôm 15-5 Ảnh: Reuters
Với lãnh thổ ở Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương, Pháp có lợi ích chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hồi tháng 2-2021, Hải quân Pháp đã điều tàu khu trục Surcouf và tàu tấn công đổ bộ Tonnerre đến Thái Bình Dương tham gia sứ mệnh tuần tra, huấn luyện kéo dài 3 tháng. Anh cũng đang thực thi chính sách can dự sâu hơn vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo Reuters, nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth của nước này dự kiến đến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore trong năm nay. Đức cũng chuẩn bị triển khai một tàu khu trục nhỏ đến khu vực.
Riêng với Nhật Bản, cuộc tập trận "ARC21" diễn ra giữa lúc nước này đang tìm cách tăng cường năng lực quân sự do ngày càng lo ngại về hoạt động của Trung Quốc quanh quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông. Tokyo đang quản lý Senkaku nhưng Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền đối với quần đảo mà họ gọi là Điếu Ngư này. Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Pháp tham gia các cuộc tập trận chung định kỳ giữa Nhật Bản và Mỹ. "Đây là cơ hội quý giá để Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản duy trì và củng cố khả năng chiến lược cần thiết nhằm bảo vệ các hòn đảo xa xôi" - ông Nakayama nhận định.
Một trong những địa điểm diễn ra cuộc tập trận "ARC21" là căn cứ Ainoura tại tỉnh Nagasaki. Nằm cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chưa đến 1.000 km, căn cứ này là nơi đặt Lữ đoàn Đổ bộ triển khai nhanh ra đời năm 2018 nhằm bảo vệ các đảo xa của Nhật Bản. Những nơi tập trận khác, theo báo Asahi, là khu huấn luyện Kirishima của Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản ở tỉnh Miyazaki, cũng như vùng biển và vùng trời phía Tây đảo Kyushu.
Không dừng lại ở đó, Nhật Bản và Mỹ đang thúc đẩy tầm nhìn "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" trong động thái được xem là nhằm đối phó ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực. Không gì lạ khi Bắc Kinh có phản ứng chỉ trích nhằm vào cuộc tập trận "ARC21" khi cho rằng động thái này đi ngược lại xu hướng thịnh vượng và cộng tác hòa bình trên thế giới. Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 13-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng cuộc tập trận "không tác động gì" đến nước này mà chỉ là một sự lãng phí nhiên liệu.
Theo Hoàng Phương/ Dân Trí
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nhat-my-phap-tang-cuong-quan-he-quan-su-20210516221447743.htm