Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, năm thứ hai của đại dịch Covid-19 có thể sẽ chết chóc hơn nhiều so với năm đầu tiên.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: Reuters).
"Chúng ta đang trên đà năm Covid-19 thứ hai chết chóc hơn nhiều so với năm đầu tiên", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 14/5. Ông Tedros nhấn mạnh, kết hợp giữa đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin với các biện pháp phòng dịch là cách duy nhất để thế giới thoát đại dịch.
Ông Tedros nói, cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay ở Ấn Độ là mối lo ngại lớn. Ấn Độ hiện là tâm dịch lớn thứ hai thế giới và đang phải đối mặt với làn sóng bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Tính đến ngày 14/5, Ấn Độ ghi nhận hơn 24 triệu ca mắc, trong đó hơn 250.000 người đã tử vong.
Ấn Độ chiếm phần lớn số ca nhiễm và số ca tử vong vì Covid-19 toàn cầu trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Tính đến nay, thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 160 triệu ca mắc, trong đó hơn 3,3 triệu người đã tử vong vì đại dịch này chỉ sau hơn 1 năm.
Tại cuộc họp báo hôm qua, người đứng đầu WHO kêu gọi một số quốc gia giàu có chia sẻ nguồn vắc xin ngừa Covid-19 cho các nước khác thay vì tiêm chủng cho trẻ em vào thời điểm này. "Tôi hiểu tại sao một số nước muốn tiêm chủng cho trẻ em và thanh thiếu niên, nhưng hiện giờ tôi kêu gọi họ cân nhắc lại, thay vào đó hãy chia sẻ với COVAX", ông Tedros nói.
COVAX là một sáng kiến được WHO đưa ra và dẫn đầu nhằm mục tiêu thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu, phát triển và phân phối vắc xin Covid-19, giúp các nước thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận vắc xin. Mục tiêu của COVAX là cung cấp 2 tỉ liều vắc xin COVID-19 vào cuối năm 2021 cho những người cần được tiêm vắc xin nhất trên toàn thế giới.
"Ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nguồn cung vắc xin Covid-19 không đủ thậm chí để tiêm chủng cho đội ngũ y tế và các bệnh viện có quá nhiều người cần hỗ trợ khẩn cấp", ông Tedros cho hay.
Theo số liệu của AFP, gần 1,4 tỉ liều vắc xin Covid-19 đã được sử dụng ở ít nhất 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, khoảng 44% sử dụng ở các nước có thu nhập cao chiếm 16% dân số thế giới. Chỉ 0,3% được sử dụng ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất chiếm 9% dân số thế giới.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/who-canh-bao-nam-covid-19-thu-hai-chet-choc-hon-nhieu-20210515083257790.htm